Khi người mẫu "cãi nhau như hàng tôm, hàng cá ngoài chợ"
Trở lại sau 5 năm, The Face Vietnam mùa 4 được khán giả mong đợi là chương trình đặt yếu tố chuyên môn lên hàng đầu, hạn chế tối đa drama (kịch tính).
Màn tranh cãi nảy lửa của Vũ Thu Phương, Anh Thư, Kỳ Duyên, Minh Triệu tại The Face Vietnam 2023
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, ngay từ tập đầu lên sóng, dư luận không khỏi ngán ngẩm với màn đấu khẩu tranh giành vị trí đứng của 4 vị huấn luyện viên (HLV) Vũ Thu Phương, Anh Thư, Kỳ Duyên, Minh Triệu.
Sự việc khiến các người đẹp gặp chỉ trích của dư luận. Kỳ Duyên lên tiếng giải thích rằng: "Vì chương trình lên sóng đã bị cắt xén rất nhiều do thời lượng có hạn nên đã mất đi rất nhiều chia sẻ của cả Triệu - Duyên".
Còn siêu mẫu Anh Thư thẳng thắn đề nghị nhà sản xuất The Face Vietnam lên sóng đầy đủ phần ghi hình ở buổi chụp hình hiệu của các huấn luyện viên để thấy "đâu trắng đâu đen". Người đẹp cũng ẩn ý rằng, không đồng ý về việc bị "đổi trắng thay đen" trong chương trình.
Tình trạng cãi vã như trên cũng thường xuyên xuất hiện ở chương trình The Face Vietnam các mùa trước, hay Vietnam's Next Top Model...
Chia sẻ với Báo Giao thông, nhà văn, nhà biên kịch Chu Thơm cho biết: "Tôi không hiểu, những chương trình này mang lại lợi ích gì cho xã hội hay chỉ cho một nhóm nhà sản xuất và phát sóng?
Những chương trình ấy có tác động tích cực tới nghề người mẫu, tới sự phát triển của thời trang Việt Nam hay không, hay chỉ khai thác những khía cạnh u ám của nó để kiếm tiền?
Tôi không ủng hộ việc tô hồng nghề nghiệp này, bỏ qua những góc khuất của nó, nhưng cũng muốn phải làm thế nào để khán giả có một cái nhìn chân thực, rõ ràng và chính xác về nó.
Xem mấy show truyền hình đó, tôi chỉ thấy mấy vị giám khảo mỉa mai, xỉa xói nhau, những cô người mẫu chỉ tay vào mặt nhau chửi bới, thậm chí là suýt lao vào đánh nhau. Họ cãi nhau như hàng tôm, hàng cá ngoài chợ", vị biên kịch bày tỏ.
Theo nhà biên kịch Chu Thơm, khi giám khảo mà sẵn sàng cãi vã nhau thì thí sinh cũng không ngại học theo, để được nổi tiếng, nổi tiếng theo kiểu “càng tai tiếng, càng nổi tiếng”.
"Thế nên mới có chuyện, các show truyền hình thực tế trở thành cuộc đấu khẩu. Một chương trình được phát sóng trên đài quốc gia trở thành cái chợ.
Ai thích nói gì thì nói, càng gay gắt, càng cay nghiệt, càng được cho là cá tính, càng được nhắc đến nhiều, càng nổi tiếng, càng có nhiều người xem và bình luận", biên kịch Chu Thơm nói thêm.
Thí sinh Dubbie gây tranh cãi vì sử dụng ca từ không phù hợp tại Rap Việt mùa 3
Không dừng lại ở các cuộc cãi vã trên truyền hình, nguy hại hơn, những chương trình như Rap Việt mùa 3, Rap Kids 2020... còn cho thấy sự cẩu thả của BTC trong khâu kiểm duyệt, khi để lên sóng truyền hình phần trình diễn của các thí sinh có sử dụng câu từ rẻ rúng, phản văn hóa, thậm chí sai lịch sử.
Điển hình như đoạn lời trong ca khúc "Đóng băng" của thí sinh Dubbie (Khương Lê) tại Rap Việt mùa 3 được nhận xét thiếu chuẩn mực như: "Trời vừa sập tối anh xả vai/ Đi lượn vòng thành phố nhìn girl xinh lên đồ"; "Các em lại phát thêm rồ/ Phải ngoan thì mới được phát thêm đồ". Nam rapper cũng bộc lộ sự thiếu hiểu biết kiến thức lịch sử, xã hội.
Hay trong phần thi “Tự hào Việt Nam” của gameshow Rap Kids 2020, một thí sinh đã có những câu rap: “Tinh thần dân tộc chưa bao giờ là bất diệt/ Con người Việt Nam hiếu chiến vang danh mang đi khắp nơi”.
Nên cấm sóng game show nhảm nhí?
Thực tế, các game show là sự gắn kết lợi ích giữa nhà đài, nhà sản xuất (NSX) và nhà quảng cáo mang tính sống còn nên việc giảm tải các game show truyền hình vô bổ không phải dễ.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, đài truyền hình là nơi tuyên truyền định hướng thẩm mỹ văn hóa nghệ thuật cho công chúng. Do đó, việc để nhiều gameshow nhảm, nhạt, không mang tính giáo dục, nhân văn tràn ngập và chiếm sóng giờ vàng là một thực tế buồn…
Trong thời gian qua, chương trình tổng thể quốc gia phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2030 đặt mục tiêu chấn hưng, thúc đẩy văn hóa thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, đang được triển khai mạnh mẽ trong suốt thời gian qua.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Văn hóa toàn quốc, triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những chỉ đạo cụ thể hóa đường lối Đại hội lần thứ XIII; đưa ra nhiều vấn đề mang tầm chiến lược để xây dựng nền văn hóa Việt Nam đến giữa thế kỷ XXI. Tổng bí thư đã nhấn mạnh 5 lần đến "chấn hưng, phát triển văn hóa của đất nước".
Do đó, ngay từ những người làm văn hóa, đã cần phải ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong bối cảnh hiện nay.
Nhà văn, nhà biên kịch Chu Thơm
Theo biên kịch Chu Thơm, trách nhiệm về những chương trình gameshow nhảm, thiếu nhân văn, đầu tiên là là ở chính những người tham gia vào các gameshow đó. Không biết ngoài đời họ là những người như thế nào, khi tính cách thật của họ như những gì họ thể hiện qua hành động, lời nói phản cảm, thiếu văn hóa ngay trên sóng quốc gia, đó là điều thất vọng.
"Xu hướng chung của đám đông là dễ bị cuốn vào những cuộc cãi vã, càng căng thẳng, càng kịch liệt, càng viral cao. Vậy nên người chơi nhảy vào mắng nhau, NSX tung hết lên viral, sóng nhà đài, thu tiền quảng cáo.
Tôi được biết, với mỗi chương trình như thế, cứ 30s quảng cáo, họ thu về hàng trăm triệu đồng.
Nhưng trách nhiệm lớn nhất là thuộc về các đài truyền hình, những người quản sóng. Họ đã mắt nhắm mắt mở cho các nhà sản xuất gameshow lũng đoạn sóng truyền hình, rồi chìa tay ra đếm tiền.
Họ quên mất rằng, những người đang ngồi trên sóng truyền hình kia, lời nói, hành động, phát ngôn của họ đập vào mắt, vào nhận thức của hàng chục triệu khán giả khắp cả nước. Trong số đó, có không ít những bạn còn rất trẻ, chưa đủ khả năng để suy nghĩ độc lập và sẽ dễ dàng bắt chước vì thấy đó mới là hay, là cá tính, là được lên truyền hình, là được nổi tiếng. Điều này rất nguy hiểm", biên kịch Chu Thơm bày tỏ.
Trước câu hỏi: Liệu chúng ta có nên cấm sóng, loại bỏ những chương trình truyền hình nhảm nhí, thiếu tính nhân văn hay không?, biên kịch Chu Thơm bày tỏ: "Câu chuyện này tôi đã nhắc cách đây cả chục năm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi các cơ quan quản lý liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch có đội ngũ quản lý trẻ, nhiệt huyết, chúng ta vẫn có thể kỳ vọng về một môi trường gameshow sạch, lành mạnh trong tương lai".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận