Lan can kè hàng chục tỉ biến thành chỗ cột dây neo tàu thuyền, nhà hàng nổi
Theo tìm hiểu của PV, suốt từ nhiều năm qua, dọc tuyến bờ kè sông Nhật Lệ, đoạn thuộc phường Đồng Hải, Tp Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình các chủ kinh doanh nhà hàng nổi bán hải sản và các tàu thuyền cập bến tại đây đều cột dây neo vào hệ thống lan can được làm bằng sắt trên tuyến kè.
Chằng chịt dây thừng được các chủ nhà hàng nổi, tàu thuyền cột vào thân kè
Ngày 22/8, có mặt tại đây, PV chứng kiến chỉ một cung đường ngắn từ cầu Dài đến chợ Đồng Hới nhưng chi chít các dây neo được các chủ phương tiện cột vào hệ thống lan can hoặc có những người cẩn thận hơn còn đục móng bờ kè rồi đóng sắt vào để cột dây neo.
Việc các chủ phương tiện cột dây neo vào lan can, đóng sắt vào móng kè về lâu dài có thể làm hư hỏng, xiêu vẹo hệ thống lan can bằng sắt; phá vỡ kết cấu móng của bờ kè nếu gặp thời tiết bất lợi như mưa bão.
Theo người dân sống trên tuyến đường Hương Giang, trước khi chưa được đầu tư xây dựng bờ kè, để neo giữ các phương tiện tàu thuyền và nhà hàng nổi, chủ phương tiện cột dây vào các thân cây dừa khiến cây nào cũng mang “vết sẹo”, một số cây không chịu nổi theo thời gian đã chết gục.
Ngoài ra, việc hàng trăm sợi dây neo được dăng chằng chịt trên sông khiến một lượng lớn rác thải, bèo tây đeo bám vào tạo nên hình ảnh nhếch nhác, bẩn thỉu cho cảnh quan thành phố du lịch Đồng Hới.
Kiên quyết xử lý trong thời gian tới
Trao đổi với PV báo Giao thông, ông Nguyễn Hữu Thuyết, Chủ tịch UBND P. Đồng Hải cho rằng, việc các chủ phương tiện tàu thuyền, bè nổi cột dây vào lan can, bờ kè Nhật Lệ diễn ra từ lâu nay. Trước đó, địa phương từng nhiều lần nhắc nhở người dân nhưng vì thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan nên chưa thể xử lý dứt điểm.
Vào mùa mưa bão việc cột dây vào lan can kè có thể khiến lan can hư hỏng, xiêu vẹo do dòng chảy của sông Nhật Lệ
“Vừa rồi, chúng tôi cũng có trao đổi với các chủ phương tiện, chủ nhà hàng nổi yêu cầu chấm dứt việc đó. Tuy nhiên, các hộ dân mong muốn được cột tạm ít hôm nữa để đổ các trụ bê tông làm chỗ neo giữ phương tiện” ông Thuyết nói.
Ông Thuyết cho biết thêm, tuyến kè này được UBND TP Đồng Hới đầu tư xây dựng, có công viên cây xanh, lối đi dành cho người đi bộ, lan can dọc tuyến kè bảo vệ người dân và tạo mỹ quan cho đô thị ven sông và việc quản lý lan can kè ven sông này được UBND TP Đồng Hới giao cho Trung tâm Công viên cây xanh TP Đồng Hới.
Theo lãnh đạo Trung tâm cây xanh Tp Đồng Hới, đơn vị được giao quyền quản lý, bảo vệ tuyến kè nhưng thẩm quyền để xử phạt lại là của chính quyền TP Đồng Hới và của phường Đồng Hải.
"Sắp tới chúng tôi sẽ ra văn bản gửi tới UBND TP Đồng Hới, phường Đồng Hải để phối hợp, tuyên truyền người dân chấp hành đúng quy định và sẽ xử lý dứt điểm tình trạng các nhà hàng nổi, tàu thuyền ngư dân neo dây vào lan can", vị này cho hay.
Một số hình ảnh PV ghi lại vào ngày 22/8:
Những dây thừng dùng để neo nhà hàng nổi được cột vào lan can kè
Tuyến kè xuất hiện vị trí sụt lún chưa được xử lý
Việc cột dây vào lan can, bờ kè vừa làm hư hỏng công trình kè vừa tạo nên hình ảnh nhếch nhác, bẩn thỉu cho cảnh quan
Do dây chằng chịt dưới nước nên rác thải, bèo tây ùn ứ
Công trình hệ thống lan can khu vực kè công viên dọc bờ sông Nhật Lệ được UBND TP Đồng Hới đầu tư và đưa vào sử dụng từ năm 2018. Công trình có tổng mức đầu tư gần 10 tỉ đồng với chiều dài gần 2,5km (đoạn từ cầu Hải Thành đến cầu Dài). Dọc theo tuyến kè bờ sông được xây dựng hành lang đi bộ có chiều rộng gần 3m. Lan can được thiết kế cao khoảng 1m, làm bằng chất liệu sắt nhúng kẽm và có phủ lớp sơn tĩnh điện.
Việc đầu tư hệ thống lan can tại bờ sông Nhật Lệ nhằm mục đích bảo vệ, xây dựng môi trường sống an toàn cho người dân trên địa bàn thành phố cũng như du khách tham quan; đồng thời kết hợp cải tạo môi trường dọc bờ sông, bảo đảm tạo mỹ quan đô thị, góp phần tạo cơ sở hạ tầng phù hợp với phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường của thành phố.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận