Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Vừa đỗ xe vào bãi gửi xe của ga Hà Nội, ngay lập tức, tôi đã nhận được những lời mời chào của mấy “cò vé” từ đâu ùa ra mời mua vé tàu. Phải khéo từ chối lắm mới thoát được các “cò” này. Từ lâu rồi, ngành Đường sắt đã thông báo cho hành khách biết không nên mua vé tàu từ các nguồn không chính thống, như mua qua “cò vé” trước cửa các ga. Nhưng không hiểu sao, lực lượng này vẫn tồn tại. Và vẫn có không ít hành khách nhẹ dạ cả tin mua vé qua các “cò”.
Tôi nhớ có lần trao đổi với mấy lãnh đạo ở nhà ga, họ cũng đau đầu với nạn “cò vé” trong khu vực quảng trường ga nhưng không biết làm gì ngoài bố trí lực lượng chốt chặn trong khu vực bán vé. “Thẩm quyền của chúng tôi chỉ ở trong khu vực ga, còn họ cò mồi bán vé bên ngoài, nhà ga cũng chịu”, vị lãnh đạo than thở.Lực lượng công an nhiều khi cũng “bó tay” trong việc xử lý các đối tượng được cho là “cò mồi”, phe vé ở các khu vực bến tàu, bến xe.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trạm trưởng Trạm công an ga Hà Nội cho biết, trạm thường xuyên bố trí lực lượng phối hợp với bảo vệ ga trực chốt và chống các đối tượng “cò vé”. Tuy nhiên, để xử lý được các đối tượng này rất khó do chưa có chế tài. “Chúng tôi chỉ có thể tạm giữ các đối tượng được coi là “cò vé” nếu họ gây rối trật tự công cộng”, ông Hiếu nói và cho biết, từ dịp Tết đến nay trạm chưa nhận được phản ánh nào từ phía hành khách về việc bị lừa vé.
Không thể phủ nhận, bài toán “cò vé” đã chi phối nhiều đến các phương thức bán vé của ngành Đường sắt. Ngành Đường sắt đã áp dụng các công nghệ bán vé tiên tiến nhưng cũng chỉ có thể hạn chế những trường hợp mua vé nghi ngờ chứ chưa thể xóa triệt để “cò vé”.
Để xóa triệt để tình trạng này, cũng là để bảo vệ bản thân, cách tốt nhất và hiệu quả là hành khách chỉ nên mua vé ở những nơi chính thức được ngành Đường sắt công bố như qua các website của ngành Đường sắt, mua ở ga.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận