Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm hiến ghép tạng Quốc gia trao hoa cho chàng trai xuyên Việt vận động hiến tạng Lê Hữu Toàn (trái). |
Chiều 7/2, thêm một lần nữa Trung tâm hiến ghép tạng Quốc gia đã có cuộc gặp gỡ một thanh niên trẻ quyết tâm một mình xuyên Việt bằng xe đạp với mong muốn tuyên truyền, vận động hiến tạng trong cộng đồng.
Đăng ký hiến tạng trước hành trình xuyên Việt
Có mặt tại Trung tâm Điều phối quốc gia về hiến ghép mô tạng, bộ phận cơ thể người (TT hiến ghép tạng Quốc gia), sau hành trình một mình đạp xe từ Cà Mau ra Hà Nội dài 43 ngày, chàng trai trẻ Lê Hữu Toàn (sinh năm 1993, sống tại TP Hồ Chí Minh) cho hay: “Quyết tâm xuyên Việt bằng xe đạp em ấp ủ từ rất lâu, giờ mới được thực hiện dù cha mẹ không đồng lòng vì quá lo lắng. Tuy nhiên, được trải nghiệm cuộc sống, được đặt chân đến nhiều vùng, miền văn hóa là những gì em thu lượm được”.
Để chuẩn bị cho hành trình xuyên Việt dự kiến kéo dài khoảng hơn 2 tháng của mình, ngoài những vật dụng cần thiết, chút tiền bạc giắt túi và vốn kinh nghiệm sống chưa nhiều, Toàn còn có sự “chuẩn bị khác biệt” của riêng mình. Chỉ đơn giản với suy nghĩ, cuộc đời vốn nhiều bất trắc mà không ai lường trước được, nhưng để cuộc sống thật sự có ý nghĩa, nên việc đầu tiên khi khởi động hành trình này là Toàn xin đăng ký hiến toàn bộ tạng sau khi chết.
Xem thêm video:
Lê Hữu Toàn chia sẻ: “Xung quanh mình còn quá nhiều hoàn cảnh khó khăn, bệnh nặng, cơ hội sống mong manh vì chờ đợi nguồn tạng hiến. Trong khi đó, sinh lão bệnh tử là điều không ai tránh được, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Mong muốn chết có ý nghĩa hơn trong cuộc sống thôi thúc em đăng ký hiến tạng”.
Trong suốt hành trình của mình, Toàn thường xuyên cập nhật thông tin trên cộng đồng “du lịch bụi” với thông điệp “hiến tạng là mang lại sự sống cho nhiều người”. “Em chia sẻ câu chuyện trên diễn đàn để các bạn trẻ cùng biết về hiến tạng, với mong muốn thay đổi suy nghĩ của mọi người về vấn đề này”, chàng trai nói.
Sau chặng dừng ở Hà Nội, Toàn sẽ tiếp tục hành trình đến địa đầu của Tổ quốc với dự kiến có mặt tại Lũng Cú vào cuối tháng 2/2017. Toàn cho biết, sau hành trình này, anh sẽ tiếp tục vận động những người trong gia đình, người xung quanh mình hiểu rõ hơn và đăng ký tham gia hiến tạng.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc TT hiến ghép tạng Quốc gia cho hay: “Cuộc gặp gỡ này như món quà đầu năm mới đối với anh em trung tâm. Hành động của Toàn mang ý nghĩa nhân văn và hơn cả cho thấy những người trẻ không thờ ơ với cuộc sống, trân trọng cuộc sống khi hiểu rằng sống là cho đi, là chia sẻ với cộng đồng”.
Bật mí thêm về chàng trai Lê Hữu Toàn, ông Phúc cho biết, Toàn cũng đã tìm hiểu về việc hiến tạng sống với mong muốn có thể hiến một phần gan của mình. Tuy nhiên, trước khi đăng ký được hiến, Toàn phải trải qua nhiều kỳ kiểm tra, xét nghiệm.
Những bà mẹ sẵn lòng hiến tạng con mình
Trong câu chuyện của mình, ông Phúc kể, ngay trong chiều 6/2, có một bà mẹ ở Vĩnh Phúc gọi điện cho trung tâm trong nước mắt bày tỏ mong muốn hiến tạng của người con trai bị TNGT không còn cơ hội sống. Câu chuyện rất xúc động về cậu con trai 40 tuổi bị TNGT 4 tháng nay, dù bệnh viện và gia đình đã nỗ lực hết sức, hiện đang nằm ở nhà trong tình trạng “chết lâm sàng”. BS. Phúc cho hay, qua thông tin đại chúng tuyên truyền về hiến tạng, người mẹ rất hiểu và muốn hiến toàn bộ tạng của con mình để có thể giúp ích, mang lại sự sống cho người khác…
“Trong trường hợp này, trung tâm phải chia sẻ luật không cho phép nhận tạng hiến khi vẫn còn sống mà chỉ nhận khi thực sự chết não. Tuy nhiên, điều này cho thấy người dân và cộng đồng đã thay đổi quan niệm "chết toàn thây" và sẵn sàng sẻ chia sự sống với cộng đồng”, ông Phúc nhận xét.
Cũng như trường hợp bà Cấn Thị Ngần (Quốc Oai, Hà Nội) đã quyết định hiến tặng tạng của con để cứu 4 mảnh đời bệnh tật khác, trong đó có một cảnh sát biển. “Trong nhiều lần gặp lại, nhưng chưa lần nào người mẹ đó tỏ sự hối tiếc về quyết định đó. Bà luôn tâm niệm, người con trai vẫn còn đó, luôn có ích cho xã hội”, ông Phúc chia sẻ.
Trước đó, tại BV Nhi T.Ư cũng có bà mẹ chia sẻ tâm nguyện hiến tạng của đứa con bị chết đuối, tuy nhiên không có cơ hội. Với người mẹ đó, nỗi đau dường như tăng thêm bởi ngoài nỗi đau mất còn còn là nỗi đau không cống hiến được cho cộng đồng, xã hội.
Tính đến thời điểm này, Trung tâm đã đạt được con số hết sức ấn tượng với khoảng 10 ngàn người đăng ký hiến tạng sau tử vong, khi mà 3 năm trước đó chỉ là con số 0. Gần 50 trường hợp đăng ký hiến tạng cho người khác không vụ lợi. Đến nay, có khoảng 1.700 ca được ghép tạng, trong đó, 90% được ghép từ nguốn hiến sống của người thân. Điều này ngược với thế giới, khi có đến 90% nguồn tạng hiến từ người đã chết”. Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốcTrung tâm hiến ghép tạng Quốc gia |
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận