Mỹ Tâm song ca với chàng trai khiếm thị với ca khúc Sầu tím thiệp hồng trong buổi họp fan tại Hà Nội. |
Sau TP.HCM, ca sĩ Mỹ Tâm tiếp tục mang đêm nhạc giới thiệu DVD live show Ô cửa màu xanh ra thủ đô Hà Nội vào tối 15/1. Trong chương trình, sự xuất hiện của chàng trai khiếm thị Đức Mạnh khiến nhiều người bất ngờ.
Màn song ca của Đức Mạnh và Mỹ Tâm, trong ca khúc Sầu tím thiệp hồng nhận được những tràn vỗ tay không ngớt từ người xem. Khác hẳn hình ảnh trên sân khấu ven đường, lần này, anh diện bộ vest đen rất lịch lãm.
Vào đêm Giáng sinh năm ngoái, câu chuyện Đức Mạnh được nữ ca sĩ dừng xe để lên hát cùng ngay trên sân khấu dựng tạm bợ bên đường khiến nhiều người vô cùng xúc động và ngưỡng mộ.
Trước đó, Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai là chuyên gia đào tạo về kỹ năng mềm, và giảng dạy môn đàm phán/giao tiếp đa văn hóa tại Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam, Hà Lan, sau khi xem clip đã có một bức tâm thư gửi Mỹ Tâm. Ca sĩ tóc nâu môi trầm đang dần hồi đáp tâm thư ấy bằng hành động thiết thực.
Trong tâm thư từng viết: "Mỹ Tâm thân mến! Hôm qua xem xong cái clip Tâm hát cùng bạn ca sĩ khiếm thị, chị xúc động quá.
Xúc động xong rồi chị nghĩ, chả lẽ clip đó rồi cũng lại chỉ thoảng qua như bao hành động chân tình khác, dù thành tâm và lay động con tim, nhưng cuối cùng cũng chỉ là một kỷ niệm đẹp trong lòng bạn ca sĩ tật nguyền, một hình ảnh đẹp của Tâm trong lòng khán giả, một chút niềm vui trong cái xã hội mà những tin xấu xa lừa đảo nhau đến chết đã quá đủ với chúng ta...
Em là nghệ sĩ nổi tiếng Mỹ Tâm à. Cái sân khấu chòi canh ấy không có khán giả và mãi mãi sẽ không có khán giả, nếu không có em bất ngờ quay đầu xe lại. Em đi thì khán giả cũng đi theo.
Clip đăng lên người ta tung hô em, chứ không thay đổi quan điểm về chàng ca sĩ. Ngày mai họ cũng vẫn sẽ đứng một mình nghiêm trang trên cái sân khấu bé tý xấu xí. Họ hát và tưởng mình đang biểu diễn nghệ thuật. Họ nhận tiền và tưởng đó là phần thưởng của tài năng.
Chị biết trái tim em nhân hậu. Chị uớc sao em có thể bắt đầu từ sự nhân hậu ấy và dùng tài năng cũng như sức ảnh hưởng của mình để làm thay đổi cuộc sống của những con người mà em từng ấm lòng chia sẻ.
Chị mạnh dạn gợi ý:
1. Mời một vài bạn thực sự có chất giọng, đào tạo và tham gia biểu diễn cùng em trên sân khấu lớn để tạo sự thay đổi về nhận thức. Hôm nọ chị vừa xem buổi biểu diễn cuả nghệ sĩ Hà Lan nổi tiếng André Rieu, và trong dàn vũ công nhảy điệu van đôi (Waltz) của ông có hàng chục cặp ngồi xe lăn xoay tròn trong tiếng nhạc. Ai cũng thấy đẹp và xúc động.
2. Cùng các bạn nghệ sĩ và nhà thiết kế khác giúp thực hiện một tụ điểm sân khấu ca nhạc đúng tiêu chí nghệ thuật. Khán giả đến xem mua vé, có giờ giấc đàng hoàng, không ảnh hưởng đến dân cư xung quanh.
Các bạn ca sĩ và đạo diễn có thể huấn luyện để dần dần họ có cảm nhận sân khấu, có thể biểu diễn theo đúng từ "biểu diễn", và ăn mặc như một nghệ sĩ chứ không phải bộ quần áo nhàu nhĩ với cái bảng tên lủng lẳng trước ngực như bây giờ.
3. Thiết kế một chương trình truyền hình The Voice - The Heart cho các bạn khiếm thị và khiếm thính. Phiên bản Việt Nam, bản quyền Việt Nam. Nếu thực hiện thành công, cả thế giới sẽ phải khâm phục sự nhân ái của người Việt và khả năng của nghệ sĩ khiếm thị Việt Nam".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận