Xã hội

Chánh án,Viện trưởng VKSNDTC cùng báo cáo về xâm hại tình dục trẻ em

05/06/2018, 15:39

Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu Chánh án toà Tối cao và Viện trưởng VKSNDTC cùng báo cáo về xâm hại trẻ em.

BT Đào ngọc dung

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

Chiều 5/6, phiên chất vấn dành cho Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung dường như nóng lên khi các ĐBQH liên tục đặt câu hỏi chất vấn và giơ biển xin tranh luận về thực trạng xâm hại trẻ em. Điển hình, ĐBQH nêu ý kiến có những vụ không được xử lý nghiêm, nếu dư luận không phản ứng và lãnh đạo cấp cao không lên tiếng thì không được xem xét nghiêm túc.

Bộ trưởng nhiều lần trực tiếp có ý kiến

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định hệ thống pháp luật để bảo đảm quyền lợi của trẻ em đã đồng bộ, phân công rõ công việc, trách nhiệm của các cơ quan trong bảo vệ trẻ em, tuy nhiên, vừa qua một số vụ việc còn kéo dài, thậm chí chưa xử lý nghiêm minh, nhiều vụ việc khi có ý kiến của các lãnh đạo cấp cao mới chấp hành. Vì thế, ông Dung cho biết Bộ cũng đề nghị các cấp, ngành và các cơ quan phụ trách lĩnh vực này đánh giá lại hoạt động của mình.

Về ý kiến ĐB Lưu Bình Nhưỡng cho rằng Bộ Lao động và cá nhân Bộ trưởng cần lên tiếng mạnh mẽ hơn, Bộ trưởng Dung khẳng định, hầu như những vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt những vụ việc nghiêm trọng Bộ đều lên tiếng, có ý kiến.

“Nhiều vụ việc tôi trực tiếp báo cáo Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng để xin ý kiến. Có những vụ việc cá nhân tôi trực tiếp trao đổi. Ví dụ như vụ Nguyễn Khắc Thuỷ dâm ô trẻ em, ngay buổi sáng khi kết thúc phiên toà, tôi đã điện thoại xin gặp trao đổi trực tiếp với Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí và Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình.

Tôi nói rõ quan điểm của cá nhân tôi cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, rằng không đồng tình với kết quả xét xử như vậy. Và chúng tôi đề nghị 2 cơ quan xem xét lại xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Hai lãnh đạo 2 cơ quan tư pháp đã chấp nhận ý kiến đó, ghi nhận ý kiến đó và sau đó kiến nghị đã được thực thi. Hay vụ diễn viên Minh béo sau khi bị xét xử và về nước vẫn tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hoá nghệ thuật, hoạt động liên quan đến trẻ em, cá nhân tôi và Bộ cũng có ý kiến về vấn đề này”, ông Dung lấy dẫn chứng và nhấn mạnh, không phải Bộ không lên tiếng, nhưng cách lên tiếng thì tuỳ từng vụ, có vụ trao đổi với lãnh đạo cấp cao, có vụ thì trao đổi với địa phương.

Để làm rõ hơn vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Viện trưởng VKSND Tối cao và Chánh án TAND Tối cao cùng báo cáo thêm.

Xử lý nghiêm hành vi xâm hại

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, xâm hại tình dục trẻ em là vấn đề gây bức xúc trong đời sống xã hội. Trong 6 tháng đầu năm 2018, đã khởi tố 701 vụ, truy tố 753 vụ tương ứng 805 bị can.

viện truong

Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí 

Theo ông, đây là vấn đề bức xúc và phải đảm bảo tính đồng bộ, sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo yêu cầu đấu tranh, để không dừng lại ở quyết tâm mà cần phối hợp, tuyên truyền giáo dục đảm bảo sự cảnh báo, giáo dục kỹ năng cho trẻ em, toàn xã hội lên án và khi phát hiện thì xử lý nghiêm minh để răn đe, giáo dục chung. 

Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng, để bảo vệ trẻ em hiệu quả cần sự đồng bộ cả phòng ngừa và xử lý nghiêm hành vi xâm hại, trong đó có xâm hại tình dục. Luật trẻ em, luật hình sự, tố tụng hình sự, dân sự đều có chương quy định rõ bảo vệ quyền trẻ em. Thời gian qua luật ban hành đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng. Tuy nhiên, luật hoàn thiện rồi thì đòi hỏi thực thi phải đồng bộ, trong đó việc phối hợp của 17 cơ quan có chức năng liên quan là hết sức quan trọng.

“Nhạc trưởng thế nào, phát hiện xử lý ra sao để đảm bảo nghiêm minh thì sắp tới các cơ quan cân nhắc, nếu Uỷ ban TVQH phân công thì rõ trách nhiệm chủ trì, phối hợp xử lý” – ông Trí nói.

Cũng theo Viện trưởng VKSND tối cao, tháng 12/2017, cơ quan này đã cùng với Bộ Công an, TAND tối cao ban hành thông tư liên tịch số 01 về phối hợp xử lý tiếp nhận tin báo tố giác và kiến nghị khởi tố, trong đó có tội xâm hại tình dục trẻ em. VKSND tối cao cũng đang chủ trì cùng Bộ Công an, TAND tối cao xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 liên quan đối tượng dưới 18 tuổi tham gia tố tụng. Dự thảo có 20 điều và đang chờ góp ý của Hội đồng Thẩm phán tối cao, dự kiến đầu quý 3 ban hành. Đây là cơ sở pháp lý để phối hợp hướng dẫn toàn hệ thống thực thi nhiệm vụ trong khởi tố điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này.

Cần xét xử kín các vụ xâm hại tình dục trẻ em

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình thông tin, trong 5 năm từ 2012 đến 2017, toà giải quyết 8.100 vụ phạm tội liên quan xâm hại trẻ em, gồm 5 tội danh khác nhau theo BLHS. Theo đó, liên quan xâm hại tình dục trẻ em có những vụ đã trả hồ sơ, sửa 549 vụ, chiếm hơn 6%. Các vụ xét xử đúng người, đúng tội chiếm 93%.

chanh-an

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình

Theo Chánh án toà tối cao, số vụ trả hồ sơ, huỷ, sửa không nhiều, nhưng gây bức xúc cho xã hội. “Đây là vụ việc không khó khăn trong xét xử nhưng khó trong điều tra, thu thập chứng cứ, vì là án truy xét, không có người làm chứng, thời gian từ khi xảy ra vụ việc đến khi phát hiện thường xa, gia đình, nạn nhân ngại khai báo, thậm chí còn che giấu không hợp tác với cơ quan điều tra. Có loại tội giám định bắt buộc nhưng gia đình từ chối giám định. Việc này khó khăn cho điều tra truy tố xét xử do tâm lý xã hội”, ông Bình phân tích.

Giải pháp được ông Bình đưa ra là các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp chặt chẽ hơn nữa, giảm tỷ lệ những vụ phải trả hồ sơ.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi, đã triển khai tập huấn cho tất cả hơn 6.000 thẩm phán với trên 800 nhịp cầu.

Ngoài ra, còn ban hành thông tư về hướng dẫn xây dựng toà thân thiện, toà gia đình với yêu cầu thân thiện với trẻ vị thành niên khi vụ án xảy ra, trong đó có án xâm hại tình dục trẻ em.

Về triển khai tổ chức thì vừa ban hành thông tư thay đổi toà chuyên trách, yêu cầu toà địa phương, cả cấp huyện nếu đủ điều kiện hình thành toà chuyên trách hôn nhân gia đình và vị thành niên.

Việc này sẽ được triển khai toàn quốc trong năm nay nhưng Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết, việc đầu tư còn đang vướng và đã báo cáo với Chính phủ, Chính phủ cũng ủng hộ trong việc xây dựng đề án để trang bị cho phòng xét xử thân thiện với trẻ vị thành niên. “Các vụ xâm hại thế này thì phải xét xử kín, thậm chí không phải ra toà, có thể thẩm phán xét xử qua hệ thống micro để ổn định tâm lý”, ông Bình nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.