Pháp đình

Chấp nhận kháng nghị, hủy 2 bản án vụ "nữ đương sự định nhảy lầu"

24/07/2020, 18:39

Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng nghị hủy 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm vụ đương sự định nhảy lầu.

img
Ông Dư sau phiên toà phúc thẩm.

Chiều 24/7, TAND Cấp cao tại TP.HCM họp giám đốc thẩm đã chấp nhận kháng nghị, hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ tranh chấp giữa nguyên đơn là vợ chồng ông Phan Quý, bà Lê Thị Bích Thủy và 3 đồng bị đơn là ông Lê Văn Dư, Lê Sỹ Thắng, Khâu Văn Sĩ.

Bản án được đưa ra sau khi HĐXX đánh giá, việc TAND TP.HCM xử phúc thẩm xác định quan hệ tranh chấp quyền sử dụng đất là không đúng, mà phải là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Bởi, tranh chấp này xuất phát từ quan hệ hợp đồng, vẫn còn thời hiệu khởi kiện.

Theo TAND Cấp cao tại TP.HCM, hình thức và nội dung của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các đương sự đã xác lập phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Từ đó, yêu cầu phản tố đề nghị công nhận hợp đồng của ông Lê Văn Dư là có căn cứ. Trong trường hợp không phát sinh thêm tài liệu chứng cứ nào khác, phải công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo yêu cầu phản tố của ông Dư.

Vì thế, việc cấp sơ thẩm chấp nhận một phần, cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không áp dụng đầy đủ các quy định pháp luật.

Nội dung kháng nghị của Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM chỉ rõ, thứ nhất, về xác định quan hệ tranh chấp, theo Quyết định kháng nghị phân tích, các đương sự đều thừa nhận 674 m2 đất trước đây thuộc quyền sử dụng của vợ chồng ông Phan Quý. Sau đó, nguyên đơn lần lượt lập các hợp đồng bằng giấy tay chuyển nhượng cho 3 bị đơn và đã nhận đủ tiền chuyển nhượng theo thỏa thuận.

Vì cho rằng 3 bị đơn vi phạm thỏa thuận nên nguyên đơn khởi kiện yêu cầu tòa tuyên bố các giao dịch này chưa có hiệu lực và trả lại toàn bộ diện tích đất cho nguyên đơn; Bị đơn cho rằng việc chuyển nhượng giữa các bên đã hoàn thành nên có yêu cầu phản tố yêu cầu tòa công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) giữa các bên.

Từ đó, kháng nghị cho rằng quan hệ tranh chấp trong vụ án phải được xác định là “tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ" như tòa sơ thẩm xác định. Riêng tòa phúc thẩm xác định quan hệ pháp luật “tranh chấp QSDĐ” nhưng lại quyết định tuyên bố không công nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ là mâu thuẫn, không phản ánh đúng bản chất của các quan hệ pháp luật giữa các đương sự.

Thứ hai, về thời hiệu khởi kiện, theo kháng nghị giám đốc thẩm, hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ vào năm 2002 và 2009 đều vi phạm điều cấm của pháp luật khi: người chuyển nhượng là ông Quý thời điểm năm 2002 chưa có QSDĐ; diện tích đất chuyển nhượng cho ông Dư, ông Thắng (87 m2/người) không đảm bảo điều kiện tách thửa; thủ tục chuyển nhượng bằng giấy tay, không có công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền. Theo quy định tại khoản 3 Điều 132 Bộ luật dân sự năm 2015 thì thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu trong trường hợp này không bị hạn chế.

Thứ ba, về yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông Phan Quý, kháng nghị giám đốc thẩm nêu, thực chất yêu cầu của nguyên đơn là tuyến bố giao dịch dân sự vô hiệu do các bị đơn tự ý chuyển nhượng qua lại cho nhau và xây dựng nhà trái phép trên đất khi chưa có sự đồng ý của nguyên đơn. Nhưng, các lý do nguyên đơn trình bày không thuộc phạm vi thỏa thuận của các bên khi lập giao dịch chuyển nhượng; việc vi phạm xây dựng không phép trên đất thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan quản lý hành chính nhà nước mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của nguyên đơn.

Thứ tư, về yêu cầu phản tố của ông Lê Văn Dư đề nghị công nhận hợp đồng, kháng nghị phân tích thời điểm chuyển nhượng, các bên vi phạm một số điều cấm của pháp luật như phân tích ở mục 2, tuy nhiên, đến thời điểm phát sinh tranh chấp, vợ chồng ông Phan Quý đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ nên theo Nghị quyết 02/2004 của HĐTP TAND tối cao thì hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ không coi là vô hiệu do vi phạm điều kiện chưa có quyền sử dụng đất hợp pháp và hợp đồng chuyển nhượng không có công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền; mặt khác toàn bộ 674 m2 đất tranh chấp các bị đều đã chuyển nhượng cho ông Dư, nên không vi phạm điều kiện tách thửa theo QĐ 190/2009 của UBND TP.HCM.

Hơn nữa, các bên phát sinh tranh chấp nhưng thực tế bị đơn đã nhận đất và sử dụng từ lâu, nguyên đơn đã nhận đủ tiền. Vì vậy cần áp dụng khoản 2 Điều 129 Bộ luật dân sự năm 2015, rằng giao dịch dân sự có vi phạm bắt buộc về công chứng, chứng thực nhưng đã thực hiện 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.

Từ những phân tích trên trong kháng nghị, Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM cho rằng nếu không phát sinh thêm tài liệu, chứng cứ nào khác thì phải công nhận hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ theo yêu cầu phản tố của ông Dư. Nếu có chứng cứ khác xác định hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu thì tòa án phải giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu mới đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Theo nội dung vụ án, năm 1999, vợ chồng ông Phan Quý nhận chuyển nhượng từ ông Huỳnh Hữu Lợi tổng diện tích 3.500m² đất thuộc thửa 504, tờ bản đồ số 40, phường 15, quận Gò Vấp. Đến năm 2002, ông Phan Quý bán lại cho ông Khâu Văn Sĩ 500m² đất bằng giấy tay.

Năm 2009, vợ chồng ông Quý tiếp tục chuyển nhượng bằng giấy tay cho ông Lê Văn Dư và ông Lê Sỹ Thắng (ông Thắng là cháu ông Dư) mỗi người 87m² đất. Khi chuyển nhượng thì ông Dư và ông Thắng được hứa hẹn sẽ tách thửa, đăng bộ diện tích đất.

Sau đó, các ông Dư, Thắng, Sĩ có chuyển nhượng đất qua lại với nhau và việc mua bán có hợp đồng nhưng không công chứng. Khi các bên đang sinh sống ổn định trên phần đất đã mua thì giữa năm 2017, ông Phan Quý khởi kiện ra TAND TP.HCM yêu cầu tuyên vô hiệu hợp đồng mua bán đất giữa ông Dư, Thắng, Sĩ trước đây.

Xử sơ thẩm, TAND quận Gò Vấp tuyên ông Phan Quý thắng kiện, hủy hợp đồng mua bán đất của ông Quý với ông Sĩ. Chấp nhận một phần phản tố của ông Dư, công nhận 2 hợp đồng chuyển nhượng đất giữa nguyên đơn với ông Dư.

Xử phúc thẩm, HĐXX TAND TP.HCM tuyên cả 3 hợp đồng chuyển nhượng đất nêu trên giữa nguyên đơn và 3 bị đơn vô hiệu.

Quá bức xúc với bản án của toà, bà Trần Thị Mỹ Hiệp (vợ ông Dư) la hét rồi lao ra khỏi phòng xử, định nhảy lầu, nhưng may mắn được bảo vệ và người xung quanh ngăn cản.

Chiều 15/7, TAND Cấp cao tại TP.HCM ra quyết định kháng nghị bản án. Chánh án TAND TP.HCM sau đó đã có báo cáo và đề nghị cấp trên giám đốc thẩm vụ án này. Phía bị đơn cũng có đơn đề nghị TAND Cấp cao xem xét giám đốc thẩm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.