Vị trí km 7 +100 là nơi đặt trạm cân kiểm soát xe quá tải phù hợp trên QL1K |
Theo yêu cầu của Tổng Cục Đường Bộ VN, ngày 26/12, Cục Quản lý Đường bộ IV đã chủ trì cuộc họp cuối cùng về việc thống nhất với các biên liên quan về vị trí đặt trạm cân lưu động trên QL1K. Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Cục QLĐB IV, trong trường hợp nhà đầu tư BOT QL1K tiếp tục phản đối thì lập biên bản báo cáo lên Tổng Cục Đường bộ, Bộ GTVT để tạm thời cho dừng thu phí để giải quyết việc đặt trạm cân.
Ngay trước khi cuộc họp diễn ra, Cục QLĐB IV, Sở GTVT, Thanh tra GTVT, Cảnh sát giao thông đường bộ tỉnh Bình Dương và nhà đầu tư đã khảo sát 5km QL1K khu vực huyện Dĩ An. Ba vị trí có ý kiến ủng hộ nhiều nhất là tại km7 +100, km 9+200 và đường Mỹ Phước – Tân Vạn giao QL1K.
Ông Nguyễn Hữu Tần (ngoài cùng bên trái) - giám đốc BOT QL1K tham gia đoàn khảo sát chọn vị trí đặt trạm cân xe quá tải |
Điều bất ngờ tại cuộc họp này là ông Nguyễn Hữu Tần – Giám đốc BOT QL1K lại phát biểu “nước đôi” một mặt ủng hộ chủ trương cân xe quá tải của Chính phủ và Bộ GTVT, tái khẳng định là trên tuyến đường QL1K hiện nay không hề có xe quá tải vì đếm được có sáu vị trí chốt, tuần tra kiểm soát của CSGT, Thanh tra giao thông của Bình Dương, Đồng Nai và TPHCM.
Mặt khác, ông Tần lại nói việc đặt trạm sẽ dẫn đến phát sinh các khó khăn như khi đặt trạm cân lưu động, nắp đan đậy mương thoát nước dọc bị vỡ, gây nguy hiểm cho phương tiện vì có chỗ mương sâu đến 1,5m, mặt đường rộng chỉ có 9,2m cho 2 làn cơ giới và 1 thô sơ, không thể mở rộng nếu đặt cân sẽ gây ùn tắc giao thông, và đang chuẩn bị triển khai dự án thay mương bằng cống ly tâm.
Cục QLĐB IV truy quyết liệt ông Tần về việc ông này trong lần họp trước quả quyết khởi công mương bằng cống từ 15/12 nhưng đến hết tháng 12 vẫn chưa thấy làm. Vị giám đốc này chỉ giải thích qua loa bằng miệng là trục trặc chưa làm xong khâu thiết kế, chứ làm chỉ có 6 tháng là xong.
Tuy nhiên, theo các cán bộ kinh nghiệm của Cục QLĐB IV, đan đậy mương đang sử dụng là đan bê tông thép chịu lực nên nói bị vỡ cũng khó xảy ra. “Có một đoạn đặt cân vài trăm mét, cái mương đá hộc chúng tôi xử lý quá đơn giản, đây đâu phải là lý do quá khó khăn như nhà đầu tư nói”, ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó giám đốc Sở GTVT Bình Dương phát biểu.
Ông Nguyễn Đỗ Vũ – Chánh thanh tra GTVT Bình Dương nhấn mạnh, đã có quá nhiều cuộc họp về việc này rồi, hôm nay phải chốt được vị trí để nhanh chóng triển khai, còn Trung tá Thượng Văn Lành – CSGT Bình Dương phân tích vị trí km 9 +200 không khả thi vì tại đây có nhiều đường nhánh nên xe quá tải có thể chạy trốn gây mất an toàn giao thông.
Tạm dùng đường Mỹ Phước - Tân Vạn tại km 7+100 QL1K để làm nơi đặt trạm cân xe quá tải |
Cuối cùng, phương án được ủng hộ nhiều nhất là km7 +100, trước mắt vì nhà đầu tư 1K làm cống ly tâm thì sẽ cho chặn xe trên QL1K và đưa vào đường Mỹ Phước – Tân Vạn (đã tạm dừng thi công). Sở GTVT Bình Dương có trách nhiệm làm việc với Ban QLDA đường Mỹ Phước – Tân Vạn để mượn tạm thời bãi đất trống, sau đó cho gia cố mặt bằng và nền đường để đặt thiết bị cân. Tại đây cũng đủ diện tích để xe quá tải tiến hành hạ tải. Chậm nhất là trong quý I/2015 sẽ đưa vào sử dụng.
Sau đó, khi nhà nhà đầu tư BOT QL1K thi công cống ly tâm thì sẽ ưu tiên làm trước vị trí km 7 +100, khi gia cố nền và mặt bằng đặt cân xong thì sẽ trả lại mặt bằng cho dự án Mỹ Phước – Tân Vạn.
Cục QLĐB IV yêu cầu nhà đầu tư BOT QL1K thực hiện ngay kế hoạch đã thống nhất, thảm mỏng bê tông nhựa mặt đường, thay cống thoát nước cho đồng bộ. Như vậy kể từ thời điểm bắt đầu triển khai cân lưu động (tháng 4/2014) với hàng chục cuộc họp và hao tốn hàng đống văn bản giấy tờ thì cuối cùng việc đặt trạm cân trên QL1K đã được thống nhất và có sự đồng thuận về chủ trương của nhà đầu tư BOT.
Thanh tra GTVT chuẩn bị cân xách tay do Tổng cục ĐBVN cung cấp để tiến hành cân xe quá tải QL1K ngày 5/1/2015 |
Ngày 5/1/2015, ra quân cân xe quá tải bằng cân xách tay
Trong lúc đợi có cân lưu động chậm nhất đầu quý 1 năm 2015 mới có thể triển khai được. Vậy nên, cuối cuộc họp này, các bên đã đi đến thống nhất sẽ dùng cân xách tay của Cục QLĐB IV để kiểm soát tải trọng xe quá tải.
Thời gian để ra quân là sáng ngày 5/1/2015. Từ nay đến lúc đó, Chi cục QLĐB IV.2, CSGT Bình Dương, Thanh tra GTVT Bình Dương, Thanh tra GTVT Cục QLĐB IV sẽ chốt phương án triển khai. Liên ngành ra quân liên tục 24/24 trong khoảng 10 đến 15 ngày, sau đó tạm nghỉ để rút kinh nghiệm. CSGT Bình Dương có nhiệm vụ dừng xe, Thanh tra GTVT Cục QLĐB IV, Thanh tra GTVT Bình Dương cân, lập biên bản, xử lý vi phạm hạ tải…
Minh Nghĩa
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận