Bạn cần biết

Chất bảo quản trong đồ khô ngày Tết: Lợi bất cập hại!

13/01/2016, 10:38

Phần lớn đã sử dụng biện pháp khử trùng, chống nấm mốc trên các sản phẩm này bằng cách xông lưu huỳnh.

1-img20150209150638939-1424680563698
Ảnh minh họa.

Lời rao bán măng khô, mộc nhĩ, nấm hương... “không dùng chất bảo quản” liệu có làm người tiêu dùng yên tâm hơn khi lựa chọn mua những sản vật không thể thiếu trong những ngày Tết?

Lùng mua hàng không chất bảo quảnTừ nửa tháng nay, chị Nguyễn Thùy Linh (trú tại Cát Linh, Đống Đa) lùng sục hỏi khắp các bạn bè để mua mấy cân măng khô, nấm hương, mộc nhĩ với tiêu chí “hàng dân tộc, đảm bảo phơi khô tự nhiên, không chất bảo quản” để dùng và dành tặng hai bên nội ngoại. Chị Linh than phiền: “Giờ ăn gì, uống gì cũng đau đầu lắm. Cứ nghe đến tẩm ướp hóa chất chống nấm mốc là thấy hãi rồi. Chẳng nhẽ lại không ăn”.

Tương tự, chị Nguyễn Thúy Mai (Định Công, Hoàng Mai) cho hay: “Đắt một chút cũng được, quan trọng là hàng ngon, sạch. Mình mới được bạn bè giới thiệu cho một hai mối hàng khô có gốc gác Tuyên Quang, Yên Bái cả đấy nhưng để lấy thử một ít trước xem thế nào”. “Nghe nói măng vốn đã độc, giờ lại thêm hóa chất lưu huỳnh để chống ẩm mốc thì lại càng thêm độc”, chị Mai lo lắng cho hay.

Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, thời điểm này, nhiều người bán các mặt hàng này đã rao hàng có nguồn gốc “chuẩn, đặt hàng thu gom từ nhà dân, đảm bảo hoàn toàn không chất bảo quản”. Trên trang facebook của mình, chị H., rao: “Mẹ chồng H. vào tận các bản, các vùng dân tộc ở Yên Bái, Tuyên Quang (tận qua sông Mã, đi từ Hà Nội hơn 400km nhá)... để đặt hàng và thu mua măng khô, nên đảm bảo an toàn không sử dụng hóa chất (không lưu huỳnh - người dân thường gọi là diêm sinh), được sử dụng trong quá trình sấy khô chống ẩm mốc, tạo màu vàng đẹp cho măng hoặc ngâm hóa chất để làm cho măng trắng hơn đánh lừa người tiêu dùng)”.

Hay trên trang webtretho, nickname MeNhim cũng rao: “Năm nay, để phục vụ nhu cầu Tết, nhà mình nhận đặt măng khô, nấm hương, mộc nhĩ và miến dong Cao Bằng, Bắc Kạn. Đây là những đặc sản chính cống của người dân tộc trên vùng cao tự sản xuất nên đảm bảo ngon, không ngâm tẩm hóa chất”.

Giá cả các mặt hàng này cũng mỗi nơi một kiểu, tuy nhiên, theo các chủ hàng “nếu không mua sớm, sát Tết giá sẽ còn lên nữa”. Giá măng khô Yên Bái, Tuyên Quang xê dịch từ 200-260 nghìn đồng/kg; Giá nấm hương, mộc nhĩ cấy khoảng 170 nghìn đồng/kg; Nấm hương rừng khoảng 350-380 nghìn đồng/kg; Mộc nhĩ rừng giá từ 230-270 nghìn đồng/kg...

Trao đổi với Báo Giao thông, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Trên thực tế, với các loại măng khô, mộc nhĩ, nấm hương...  người dân hoàn toàn có thể phơi khô, tuy nhiên việc bảo quản sản phẩm khô, không ẩm mốc là không đơn giản. Nếu trường hợp sản phẩm không được lưu trữ trong các dụng cụ chứa đựng đảm bảo độ ẩm dưới 10% thì rất dễ ẩm mốc, sản sinh ra nhiều độc tố nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Do vậy, phần lớn đã sử dụng biện pháp khử trùng, chống nấm mốc trên các sản phẩm này bằng cách xông lưu huỳnh”.

Bảo quản không đúng cách, người sản xuất tự rước hại

Theo lời ông Thịnh, không chỉ với măng khô, nấm hương, mộc nhĩ mà ngay cả với các loại quả sấy khô cũng được người sản xuất sử dụng biện pháp xông lưu huỳnh để khử khuẩn với một lượng cho phép. Bởi lợi thế khi xông lưu huỳnh, khí này có thể len lỏi vào mọi ngóc ngách của sản vật, tăng diện tích khử khuẩn.

Theo các chuyên gia, có thể lựa chọn măng khô đảm bảo an toàn thực phẩm bằng cách chọn măng có màu vàng nâu nhạt, xuất hiện màu hổ phách, bề rộng thịt dày, khi sờ vào không có cảm giác ẩm tay.

Măng còn lưu giữ mùi thơm đặc trưng, không có mùi lạ, không bị mốc; Với mộc nhĩ nên chọn loại cánh to, dày, không có đốm đen hay đỏ. Khi mua, dùng tay nắm vài cái, sau khi bỏ tay ra, viền mộc nhĩ có tính đàn hồi nhanh chóng duỗi ra, đó là loại mộc nhĩ tốt; Với nấm nên chọn nấm “cúc áo” dầy, khô, có cánh nhỏ, đường kính nấm từ 1 – 1,5cm, cúp chặt, chân nấm nhỏ và ngắn. Chỉ nên mua các sản phẩm có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

“Có thể nói, dù chỉ xông ở dạng khí nhưng lưu huỳnh có thể vẫn còn lưu lại trên các sản phẩm”, ông Thịnh cho hay. Bên cạnh đó, khí lưu huỳnh sản sinh ra trong quá trình đốt rất độc hại, nếu thường xuyên trực tiếp hít phải khí này có thể gây ra tình trạng mờ mắt, viêm tai, viêm mũi... Tuy nhiên, theo phân tích của ông Thịnh, những sản phẩm sau khi xông lưu huỳnh chỉ thực sự có hại khi nó được người tiêu dùng sử dụng trực tiếp.

Còn với các loại măng khô, nấm hương, mộc nhĩ này nếu có xông lưu huỳnh, người tiêu dùng cũng không nên quá lo lắng. “Bởi lưu huỳnh hoàn toàn có thể tan trong nước hoặc bay hơi vì vậy để loại bỏ dư chất lưu huỳnh có trong sản phẩm này, người dùng cần ngâm, rửa sạch, sau đó đổ ngập nước ngâm bằng nước ấm hoặc nước vo gạo (ngâm thời gian khoảng một đêm). Luộc măng thay nước 2 - 3 lần (mỗi lần 30 phút) và nên mở nắp khi luộc”, ông Thịnh cho hay.

Ông Thịnh cũng lưu ý: “Nguy hại của việc xông lưu huỳnh thường ảnh hưởng trực tiếp đến người thực hiện nếu xông không đúng kỹ thuật. Đồng thời, người tiêu dùng cũng rất dễ nhận dạng ra những sản phẩm có xông lưu huỳnh quá lượng bởi khi đó sản phẩm sẽ có mùi khét rất đặc trưng của lưu huỳnh”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.