Mấy hôm nay các ngả đường TPHCM quang quẻ hẳn. Nhân viên công ty cây xanh “ra quân”, bận rộn chắn đường để đốn tỉa cây cối, xe cộ chở cành tới lui nhộn nhịp. Nhiều cây bị cắt ngang, đào gốc mang đi. Nhiều cây ở lại thì trụi lủi, trông đến thương.
Việc cắt tỉa “bạo tay” này xảy ra gấp rút sau vụ cây phượng vĩ trên sân trường Bạch Đằng bất ngờ bật gốc làm chết và bị thương các em học sinh. Tiếp sau, cây phượng vĩ thứ 2 ở một trường cao đẳng cũng bật gốc, rồi cây phượng tại trường tiểu học ở Bình Dương giữa buổi trưa đổ rầm. Trên vỉa hè, một cây phượng 10 tuổi ở Q.9, TPHCM vừa ngã xuống, chắn ngang dòng xe. Có vẻ như mùa mưa năm nay là mùa những cây phượng đua nhau trốc gốc.
Trên mạng xã hội, rất nhiều người trách móc, nghi ngờ, phản đối phong trào chặt cây ồ ạt, họ buồn thương màu hoa học trò rồi sẽ giã biệt sân trường.
Nhìn phái ủng hộ chặt cây và phản đối chặt cây tranh luận nảy lửa, tôi lại nhớ tới những đợt thay cây trên vỉa hè của Hà Nội hay TP.HCM. Người ta tụ tập "biểu tình cây" số khác thì yếu ớt giải thích những cây lâu năm với rễ chồi lên vừa phá hủy nền đường, vừa không an toàn cho người qua lại.
Rõ ràng, cây xanh bóng mát, hoa lá không chỉ cho chúng ta gỗ hay cung cấp oxy, tạo nên vùng không khí tốt cho sức khỏe… đó còn là một phần quy hoạch đô thị, giúp làm mềm mại các khối bê tông, tạo ra các hệ sinh thái. Hàng cây, góc phố, ghế đá công viên, những cảnh quan thơ mộng, giúp nuôi dưỡng tâm hồn và hình thành ký ức đẹp tươi...
Nhưng, đô thị quy hoạch thiếu khoa học dẫn tới việc nhiều địa phương đánh trồng nhiều loại cây không an toàn và phù hợp. Cây bàng, cây bằng lăng vào mùa xuân miền Bắc chi chít sâu bọ, cây hoa sữa cho mùi hoa quá nồng không hợp với thời tiết miền Nam, gây hại sức khoẻ dân cư. Cây hoa anh đào đẹp đấy, nhưng có nhựa cực độc… Và phượng - loại cây có mặt trên hầu hết các sân truòng lại có gỗ mềm, không bền, dễ sâu mục, không phù hợp trồng ở sân trường hay trên đường phố.
Sáng nay, vỉa hè nhà tôi ngập bóng áo xanh của các anh chị công ty công viên cây xanh, sau đó thì cây điệp vàng (cùng họ với phượng vĩ) ngã xuống bởi những nhát cưa. Cư dân buồn bã đi ra đi vào ngó cái hố gốc cây sâu hoắm, nâng điện thoại chụp lại hình ảnh cuối cùng của “người bạn”. Đâu đó giữa những tiếng xót thương khi mảng xanh rơi xuống, có ai đó buột miệng "sao lại chặt cả cây đang tốt tươi khỏe mạnh?", “liệu có chặt nhầm không?”...
Liệu chúng ta có quá vội vàng, tiêu hủy luôn công sức trồng trọt chăm sóc cái cây suốt 5- 10 năm chỉ vì quá sợ trách nhiệm? 10 -20 năm mới trồng lên được một cái cây cho bóng mát trung bình. 20-30 chục năm mới có được tán cây thân gỗ đường kính khoảng vài mét.
Ổng tổ trưởng dân phố phải trấn an mấy người già rằng: “Chúng ta xót một, thì người quản lý cây xanh, người công nhân ngày ngày chăm sóc, tưới tắm những cái cây ấy, có lẽ xót mười. Nhưng an toàn rồi mới tính tới công năng, sự thoải mái hay mỹ thuật, tâm linh... đó là thứ tự ưu tiên, không thể đảo lộn”.
Tôi chợt nhớ tới chị đồng nghiệp, sau trận mưa cách đây mấy năm, chị bất ngờ mất chồng. Anh bị cây đè cách nhà mình chỉ 1km, vĩnh viễn không bao giờ về tới cửa. Hai đứa con anh ngơ ngác vì mất cha. Song cây dầu đè lên chiếc xe của anh thì vững chãi như mọi cái cây cùng tuyến phố, không hề có vẻ gì sâu bệnh hay bất thường.
Có những chuyện chúng ta chỉ nhìn được phần phần nổi trên mặt đất. Phần rễ ẩn phía dưới đất đã thối, đứt hỏng hay đụng mạch ngầm của hóa chất thế nào, bên trong thân cây gỗ còn tốt hay đã bị đục rỗng... hiếm ai “giải phẫu” được.
Vậy nên, đành trông cả vào lực lượng chuyên nghiệp. Các kỹ sư nông nghiệp, các “chuyên gia cây” chắc chắn đã cân nhắc, đã giám định, “chụp cắt lớp” thân và gốc cây trước khi ký giấy cho việc đưa lưỡi cưa lên. Đây là sự cân nhắc liên quan tới sinh mạng, không thể ẩu.
Phải cắt vào cây xanh, tôi nghĩ rằng, họ cũng đau như cắt vào da thịt của mình. Vì vậy, hãy để họ làm công việc của họ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận