Hình ảnh nguồn phóng xạ Cs-137 của Nhà máy Đạm Hà Bắc. (Ảnh: together2s.com) |
Nguồn tin trên báo Tiền Phong cho biết, vụ việc được phát hiện khi công an tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ yêu cầu Cty CP Xi măng Bắc Kạn di chuyển nguồn phóng xạ được lưu giữ tại kho chứa của nhà máy về nơi an toàn trước 15/12/2015.
Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng liên lạc với ông Đinh Văn Bằng, nguyên Giám đốc Cty CP Xi măng Bắc Kạn thì được biết, không rõ nguồn phóng xạ Cs-137 bị mất từ khi nào.
Ngay sau khi nắm được thông tin, Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã nhanh chóng tiến hành khám nghiệm, thu thập chứng cứ và lấy lời khai của các bên liên quan.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Kạn cũng cho biết, nguồn phóng xạ Cs - 137 được đặt trong hộp chì, bên ngoài là một thùng gỗ có kích thước 50x35x20cm.
Theo thông tin trên Dân Trí, ông Lê Văn Thế, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn cho biết: nguồn phóng xạ Cs-137 của Công ty Cổ phần Xi măng Bắc Kạn sử dụng để kiểm tra mức xả clinker trong công nghệ xi măng lò đứng. Nguồn phóng xạ Cs-137 bị mất là nguồn phóng xạ kín, được đặt ở tâm của một bình chì hình trụ (kích thước đường kính khoảng 10 x 20 cm, màu ghi xám, nặng khoảng 03-04 kg).
Theo tài liệu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế thì nguồn loại này là không nguy hiểm cho con người, không người nào có thể bị tổn thương bởi nguồn phóng xạ loại này khi tiếp xúc gần.
Cũng theo ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ xác nhận trên báo Tiền Phong cho biết: “Nguồn phóng xạ thất lạc ở Bắc Kạn là nguồn nhỏ và mức độ nguy hiểm ở mức thấp nhất”.
Nhà máy Xi măng Bắc Kạn, nơi phát hiện bị mất nguồn phóng xạ. (Ảnh: Thanh Niên). |
Được biết, do làm ăn thua lỗ, Công ty cổ phần Xi măng Bắc Kạn bị Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn (nay là thành phố Bắc Kạn), ra quyết định thi hành án số: 67/QĐ-CCTHA ngày 10/12/2014. Ngày 31/3/2015, Chi cục thi hành án dân sự thị xã Bắc Kạn tiến hành kê biên tài sản của Công ty cổ phần xi măng Bắc Kạn và giao cho Ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển chi nhánh Bắc Kạn quản lý.
Ngày 15/5/2015, Sở Khoa học và Công nghệ đã mời Chi cục Thi hành án dân sự Thành phố Bắc Kạn, Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển tỉnh Bắc Kạn, ông Đinh Văn Bằng – Quyền Giám đốc Công ty đi kiểm tra nguồn phóng xạ lưu kho nhưng ông Đinh Văn Bằng vắng mặt. Các bên có mặt đã lập biên bản đề nghị Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển tỉnh Bắc Kạn quản lý, bảo vệ nguồn được lưu giữ trong kho; dán cảnh báo trên mặt hòm đựng nguồn phóng xạ và ở cửa kho để cảnh báo nguy hiểm.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Kạn, Công an tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ yêu cầu Công ty Cổ phần xi măng Bắc Kạn di chuyển nguồn phóng xạ được cất giữ tại kho về nơi lưu giữ trước ngày 15/12 /2015 để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, phía Công ty Xi măng Bắc Kạn đã thông báo là nguồn phóng xạ trong kho của công ty đã biến mất.
Những sự cố nguồn phóng xạ tại Việt Nam Ngày 31/10/2002, trong khu vực Cty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai - Vinashin, tỉnh Khánh Hòa, một nhóm ba nhân viên chụp ảnh phóng xạ công nghiệp của Cty TNHH Alpha đang chụp ảnh phóng xạ công nghiệp bằng thiết bị sử dụng nguồn phóng xạ gamma Ir-192, hoạt độ 42,45 Ci, thì gặp sự cố kẹt nguồn. Ngày 23/12/2003, Cty Cổ phần Xi măng Việt Trung (xã Thanh Hải, Thanh Liêm, Hà Nam) mất nguồn phóng xạ Cs-137 để đo mức phục vụ việc xả tự động clinker. Đến nay, chưa có thông tin công bố tìm lại được nguồn phóng xạ này. Ngày 17/5/2006, Viện Công nghệ Xạ hiếm thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam sửa chữa các gian kho tầng 6, nơi chứa nguồn đồng vị phóng xạ, nên chuyển nguồn sang gian bên cạnh dành chỗ cho thi công. Đến 14h ngày 29/5, cơ quan này phát hiện nguồn đồng vị phóng xạ trên bị mất. Nguồn phóng xạ này sau đó được thu hồi. Cuối tháng 7/2006, Cty Cổ phần Xi măng Sông Đà tháo phần thiết bị trong dây chuyền sản xuất xi măng để sửa chữa. Ngày 8/8, phát hiện hộp đựng nguồn phóng xạ trong thiết bị này bị mất. Đến nay, chưa có thông tin thu hồi được. Tháng 9/2014, Cty TNHH APAVE châu Á - Thái Bình Dương, tại quận Tân Bình, TPHCM bị mất trộm một nguồn phóng xạ, nhưng sau đó tìm lại được. Gần đây nhất, tháng 4/2015, nhà máy thép Pomina ở Bà Rịa – Vũng Tàu bị thất lạc, đến nay vẫn chưa tìm thấy. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận