Thời sự

Chất vấn các thành viên CP: Truy vấn đề đến cùng, không né tránh

16/11/2017, 05:59

Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV kéo dài trong ba ngày, bắt đầu từ hôm nay (16/11)...

Bo truong dinh tien dung tra loi chat vanjpg

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng nay

Tường thuật trực tiếp phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng sáng 16/11

Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV kéo dài trong ba ngày, bắt đầu từ hôm nay (16/11) đến ngày 18/11.

Bốn thành viên Chính phủ được lựa chọn trả lời chất vấn gồm: Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Thống đốc NHNNLê Minh Hưng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn và Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Trong bốn vị được chọn, Chánh án Nguyễn Hoà Bình và Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đều đã khá dày dạn kinh nghiệm nghị trường.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng đã trả lời trong một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chỉ duy nhất Thống đốc Lê Minh Hưng là “người mới”. Bởi vậy, phiên chất vấn kỳ này được ĐBQH kỳ vọng sẽ diễn ra đúng tinh thần hỏi thẳng, đáp ngay, không vòng vo né tránh.

Xem thêm: Bộ trưởng Tài chính: Nợ công cao, áp lực trả nợ đang rất lớn

2

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Giám sát lời hứa trước khi lấy phiếu tín nhiệm Quốc hội đều có nghị quyết

Đối với các thành viên Chính phủ, tới đây, Quốc hội sẽ yêu cầu các Uỷ ban giám sát việc Chính phủ thực hiện nghị quyết đến đâu, sau đó sẽ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp giữa nhiệm kỳ sau. Tức là Quốc hội sẽ giám sát đến cùng những lời hứa và việc thực hiện của các thành viên Chính phủ, đồng thời sẽ yêu cầu Chính phủ giải trình làm rõ những nội dung mà ngành chưa hoàn thành nhiệm vụ.

Năm 2018 cũng là năm sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ. Giám sát sau chất vấn cũng được coi là một nội dung để xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội, với những người do Quốc hội bầu và phê chuẩn, nếu không hoàn thành hoặc đạt tín nhiệm thấp thì cũng sẽ có cơ chế xử lý.

Lần này, phiên chất vấn sẽ tiếp tục có những tranh luận tạo không khí sôi nổi, không chỉ tranh luận với các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn, mà tranh luận ngay cả giữa các ĐBQH. Tuy nhiên, cả người chất vấn và người trả lời chất vấn đều cần rút kinh nghiệm, hỏi và trả lời phải ngắn, đi thẳng, trực tiếp vào vấn đề để nhiều ĐBQH có cơ hội được chất vấn thành viên Chính phủ.

3

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình: “Tôi đã sẵn sàng trả lời”

Trao đổi với Báo Giao thông bên hành lang Quốc hội ngày 15/11, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình chia sẻ cảm giác hồi hộp khi là một trong bốn Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ đăng đàn trả lời chất vấn.

Tuy nhiên, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho rằng, những nội dung “nóng” cần ưu tiên sẽ phụ thuộc vào chất vấn của các ĐBQH. Còn ông đã chuẩn bị tất cả những nội dung đáng chú ý của ngành mà các ĐBQH có thể quan tâm. “Chưa biết ĐBQH hỏi những vấn đề gì nhưng tất cả câu chuyện liên quan đến trách nhiệm của ngành đều phải chuẩn bị chu đáo. Và cũng rất mong các ĐB hiểu và chia sẻ với những khó khăn của ngành, còn tất cả yêu cầu ĐB chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng”, ông Bình nói.

Ông Bình cũng “phán đoán” vấn đề tăng cường xử nghiêm những sai phạm trong ngành sẽ được ĐB đề cập và ông đã chuẩn bị cho nội dung này. Trả lời câu hỏi của PV về áp lực lớn nhất khi đăng đàn trả lời chất vấn là gì, Chánh án Nguyễn Hoà Bình nói: “Tôi không biết các Bộ trưởng, trưởng ngành khác áp lực thế nào, nhưng đối với tôi, sẽ cố gắng làm sao thoả mãn yêu cầu của ĐB. Ngoài đáp ứng yêu cầu trong các câu hỏi của ĐB, tôi cũng muốn truyền tải đến toàn hệ thống đòi hỏi của Quốc hội, của nhân dân với việc nâng cao trách nhiệm và chất lượng xét xử của ngành Toà án”.

Ông Bình cũng cho rằng, đòi hỏi của các ĐBQH về việc Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời phải đi thẳng vào vấn đề, có thái độ trực diện, mạnh mẽ là một yêu cầu chính đáng nên những người đăng đàn sẽ phải thực hiện.

Theo ông Bình, ngành Tư pháp đã làm được nhiều việc, có bước tiến dài trong cải cách pháp luật. Đặc biệt, lần đầu tiên chúng ta áp dụng những nguyên tắc tư pháp tiến bộ của thế giới, như nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc xử lý có lợi... Ngành Tư pháp cũng đã xây dựng lại được đội ngũ các chức danh tư pháp lớn mạnh về cả số lượng và chất lượng, được đào tạo bài bản hơn, trách nhiệm được nâng cao hơn.

4

ĐB Trương Trọng Nghĩa

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM): Muốn chất vấn cả chính quyền các địa phương

Theo tôi, không nên đem những sự việc cụ thể chất vấn Bộ trưởng để yêu cầu xác minh và có kết luận ngay. Vì chất vấn như vậy tác dụng không cao, mà có thể thông qua một sự việc cụ thể để nói về thực tế còn tồn tại trong Bộ, ngành.

Nhưng tôi vẫn tiếc vì cho đến nay, các ĐBQH không được chất vấn chính quyền các địa phương, trong khi đây là nhu cầu có thực, và trước đây tôi cũng đã góp ý. Ngoài ra, sau chất vấn, các ĐBQH cũng phải có trách nhiệm với vấn đề mình nêu ra, vì trong khi có ĐB đeo đẳng vấn đề suốt nhiều kỳ họp, thậm chí cả nhiệm kỳ thì cũng có ĐB hỏi xong rồi không tiếp tục quan tâm.

5

ĐB Lưu Bình Nhưỡng

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội): Chất vấn không phải để “khoán trắng” cho Bộ trưởng

Chất vấn là một trong những hình thức giám sát rất hữu hiệu. Nhưng sau chất vấn, các thành viên Chính phủ quan tâm đến việc giải quyết ở các mức độ khác nhau. Có người rất chú tâm giải quyết, nhưng thực tế cũng có những người không thực sự quan tâm.

Tuy nhiên, ĐB không thể chất vấn theo kiểu “khoán trắng” cho Bộ trưởng, mà phải có trách nhiệm hợp tác, giám sát cùng với Bộ trưởng giải quyết vấn đề. Đã chất vấn là phải theo đuổi đến cùng. Đăng đàn trên Quốc hội, các Bộ trưởng cũng phải thể hiện bản lĩnh của mình, đứng trước các vấn đề ĐB nêu ra phải xem xét kỹ tìm hướng giải quyết chứ không nên vội vàng bênh vực cho ngành, sẽ tạo hiệu ứng không tốt.

6

ĐB Phạm Phú Quốc

ĐB Phạm Phú Quốc (TP HCM): Trả lời đột xuất sẽ thể hiện bản lĩnh trưởng ngành

Tôi không có thang điểm để so sánh nhưng tôi đánh giá cao Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, là người nắm công việc rất sâu. Có những lúc tôi có dịp trao đổi bất ngờ không có sự chuẩn bị trước, nhiều vấn đề Bộ trưởng nắm rất rõ, kể cả các con số lẻ.

Theo tôi, việc Quốc hội đổi mới cách thức chất vấn như hiện nay là rất hiệu quả. Ngoài bốn Bộ trưởng trả lời chính, các Bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan sẽ cùng phối hợp trả lời. Các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực cũng sẽ có báo cáo làm rõ thêm chất vấn của các ĐBQH. Như vậy, các thành viên Chính phủ sẽ không có thời gian chuẩn bị mà sẽ trả lời đột xuất nếu như có yêu cầu. Cách thức này sẽ cho thấy ai là người đi sâu, đi sát, nắm chắc công việc.

7

ĐB Bùi Văn Phương 

ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình): Đổi mới đáng ghi nhận trong chất vấn

Tham gia Quốc hội từ khoá XIII, cho đến bây giờ tôi thấy chất vấn tại các kỳ họp có tác dụng rất lớn. Vì tất cả những gì cử tri quan tâm, những vấn đề cuộc sống đòi hỏi, những tồn tại hạn chế, yếu kém, bất cập đều được công khai trên diễn đàn Quốc hội. Hơn nữa, việc tất cả các thành viên Chính phủ đều có mặt tham gia trả lời khi có yêu cầu sẽ giúp các vấn đề được làm rõ hơn, trách nhiệm đến đâu cũng dễ xác định được hơn. Theo tôi, đây là một trong những đổi mới rất đáng ghi nhận trong hoạt động của Quốc hội.

img

Bộ trưởng Y tế không đăng đàn dù 18 đoàn ĐBQH muốn chất vấn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.