Ông Dương Trung Quốc |
Phải coi đó là “cơ hội”
Theo chương trình, hôm nay, QH bắt đầu chất vấn các thành viên Chính phủ. Ông có suy nghĩ gì về những tư lệnh ngành được chọn chất vấn kỳ này?
Tôi cho rằng trước hết nên thay đổi cụm từ “tư lệnh ngành”. Tại sao tôi nói như vậy. Vì rõ ràng mỗi ngành liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Rất khó để một vị bộ trưởng có thể giải đáp được những thắc mắc, những hiện tượng, những vấn đề đời sống đặt ra. Chẳng hạn, TNGT không chỉ Bộ Giao thông, cơ quan phụ trách hạ tầng, quản lý Nhà nước mà còn phải hỏi ngành Tài chính đầu tư đến đâu, ngành Công an đảm bảo trật tự ATGT thế nào…
Hiện nay chúng ta đang tập trung trách nhiệm vào các bộ trưởng nhưng về lâu dài, bản thân tôi rất muốn nên để một Phó thủ tướng phụ trách mảng ấy, cùng với các bộ trưởng liên quan cùng nhau trả lời. Thế thì cách đặt vấn đề, các câu hỏi mới được trả lời một cách thấu đáo. Bởi hiện nay, một trong những vấn đề tồn tại chính là sự phối kết hợp giữa các ngành, các lĩnh vực khác nhau, các bộ trưởng với nhau trên một vấn đề.
Ông có cho rằng, những bộ trưởng được chọn chất vấn kỳ này đều đang chịu trách nhiệm về những vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm?
Về kỹ thuật điều hành, bộ phận Thư ký kỳ họp đã giải thích rõ, tức là dựa trên những phiếu chất vấn mà các đại biểu QH gửi tới các thành viên Chính phủ, theo thứ tự, ai cao nhất thì được chọn. Điều đó hoàn toàn đúng, bởi tôn trọng ý kiến của ĐBQH. Tôi có quan điểm, các vị bộ trưởng khi được chọn chất vấn phải coi đó là một “cơ hội” được chất vấn chứ không phải bị chất vấn. Vì khi đó, trước diễn đàn QH, được nói những vấn đề của mình, lắng nghe những vấn đề của ngành mình.
Giải đáp những mặt hạn chế, được chia sẻ, thậm chí có thể khẳng định những mặt tích cực của mình. Bản lĩnh của người bộ trưởng lúc đó mới được thể hiện. Nếu sai, với tinh thần thành khẩn, mình ghi nhận, nhưng cái đúng thì mình tự tin bảo vệ. Đó mới là những tác động mong đợi của các phiên chất vấn. Chứ còn có tâm thế “bị” chất vấn thì thường lấy việc ứng phó nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện nay, quần chúng vẫn có quan điểm cho là “bị” chất vấn. Tôi nghĩ cách nhìn ấy phải thay đổi. Mình đang muốn làm sáng tỏ một vấn đề mà mình chưa rõ hoặc mình muốn đóng góp tốt hơn thông qua việc đối thoại trực tiếp.
Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 Ảnh: Lã Anh |
Đại biểu phải giám sát “hậu” chất vấn
Nếu không có gì thay đổi, phiên chất vấn kỳ này vẫn là 4-5 đại biểu đặt câu hỏi. Sau đó, bộ trưởng trả lời, thậm chí có bộ trưởng còn không nhớ hết câu hỏi và thực tế có đại biểu đã phải hỏi lần hai, lần ba. Ông có cho rằng nên thay đổi cách thức chất vấn?
Việc người điều hành cho phép hỏi đi hỏi lại mà ta hay nói là “truy đến cùng” để làm sáng tỏ vấn đề, điều này cũng là tốt để hạn chế cách trả lời chung chung. Nhưng nếu kỹ năng không tốt thì lại khiến tốn kém thời gian. Đứng ở góc độ người quan sát, tôi cho rằng, chất lượng các phiên chất vấn ngày càng cao hơn. Quả thật, nếu chúng ta đánh đố nhau cũng không nên. Không thể giải quyết thấu đáo một vài vấn đề trong một cuộc đối thoại được. Nhưng quan trọng là cử tri đánh giá được năng lực của bộ trưởng, kể cả ĐBQH, cách đặt câu hỏi, trả lời câu hỏi, nắm bắt vấn đề, cách ứng xử, giải quyết vấn đề. Tôi cho rằng, đấy là kỹ năng rất quan trọng. Nhất là những thông tin đó lại từ chính miệng ông bộ trưởng được trực tiếp nói ra, được cử tri lĩnh hội.
Như ông nói, chất lượng các phiên chất vấn được nâng lên. Tuy nhiên, có thể thấy những chuyển biến trên thực tế, tức là kết quả hậu chất vấn mới là quan trọng?
Trả lời chất vấn - cách ăn nói thể hiện cả trình độ, bản lĩnh và kể cả sự khôn ngoan, đó đều là những thứ rất cần đối với các chính khách. Nhưng điều đó cũng không làm thay đổi bản chất vấn đề, đó là người dân có thỏa mãn hay không, có hài lòng với câu trả lời hay không. Rất bay bướm, nhưng không giải đáp được lợi ích của họ thì không bao giờ bằng một người nói cứng nhắc một chút, đơn giản một chút nhưng lại đáp ứng được mong muốn của người dân. Cho nên, thước đo cuối cùng chính là sự hài lòng của người dân và sự hài lòng đó không phải là để êm tai. Sự hài lòng đó trước hết là để giải quyết những vấn đề của cuộc sống.
Ông có suy nghĩ gì về hình thức chất vấn hiện nay, nhất là khi bản thân ông đã từng đề xuất các phiên điều trần?
Trên thực tế đã có điều trần rồi, có những vấn đề nổi cộm, một vị bộ trưởng trả lời trước một cử tọa hẹp hơn. Vấn đề là chúng ta đừng đặt kỳ vọng quá vào các phiên chất vấn, sự hài lòng vào các phiên chất vấn. QH đã có cải tiến quan trọng đó là đã có những nghị quyết chất vấn, tức là ghi lại lời hứa thành văn bản, dùng cái đó để giám sát.
Nhưng cũng phải nói thật, thời gian 6 tháng rất khó tạo được sự thay đổi căn bản. Cho nên cái đó cũng phải chia sẻ. Cách đặt vấn đề cũng phải đúng, biện chứng chứ không phải mong ước, thì là vô cùng. Hơn nữa, như tôi đã nói, những vấn đề của cuộc sống không chỉ liên quan đến một bộ trưởng mà liên quan đến rất nhiều sự phối hợp điều hành của chính phủ nói chung. Chứ một anh làm tốt, anh kia không làm tốt thì cũng không được.
Tôi cho rằng, lời hứa - chúng ta phải giám sát và sự giám sát chặt chẽ sẽ giúp cho lời hứa đó ngày càng mang tính khả thi cao hơn. Không chỉ còn là lời lẽ bay bổng lọt tai mà phải chứa đựng những tính khả thi và người dân sẽ đánh giá trên thực tế. Nhưng cũng phải hiểu rằng, từ nói đến làm là khó. Ông bộ trưởng nỗ lực làm nhưng đây là vấn đề vận hành cả bộ máy, rồi vai trò của xã hội, của người dân.
Vậy khi đó lại cần đến vai trò giám sát của ĐBQH đối với những lời hứa của các bộ trưởng?
Tôi cho rằng, tất cả những việc đó đã được văn bản hóa thành nghị quyết về giám sát. Nó cũng là phương thức giám sát và về quyền, ĐBQH hoàn toàn có thể làm việc đó. Nhưng theo tôi, làm việc đó cũng phải trên tinh thần thiện chí, chia sẻ trách nhiệm. Bởi từ lời hứa đến thực tiễn không chỉ là chủ quản ngành quyết định mà phải đi vào đời sống, mà đời sống rất đa dạng, từ nhiều phía.
Cảm ơn ông!
Bình Minh
(Thực hiện)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận