World Cup 2022, một kỳ World Cup đặc biệt khi lần đầu tiên được tổ chức vào mùa Đông thay vì mùa Hè như thường lệ.
Kỳ World Cup lạ lùng này cũng đánh dấu sự xuất hiện của 6 đội bóng đến từ Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) - số lượng lớn nhất trong lịch sử.
Hàn Quốc thua đậm Brazil tại vòng 1/8 World Cup 2022
Sau vòng đầu tiên, đã có tới 3 đội bị loại nhưng đây vẫn được đánh giá là giai đoạn vòng bảng thành công của các đội bóng đến từ khu vực AFC.
Những chiến tích gây chấn động thế giới từ các đội bóng châu Á có thể kể đến như Ả Rập Xê Út thắng Argentina, Iran hạ xứ Wales, Australia vượt qua Đan Mạch, Hàn Quốc thắng Bồ Đào Nha hay Nhật Bản đánh bại cả Tây Ban Nha lẫn Đức.
3 cái tên góp mặt ở vòng 1/8 cũng chính là số lượng các đội bóng châu Á lớn nhất từng vào vòng knock-out trong một kỳ World Cup.
Điều này đã tạo nên một cơn sốt thực sự với các khán giả thế giới, đặc biệt là với người hâm mộ bóng đá châu Á.
Nhưng sau khi vòng 1/8 khép lại, niềm vui, sự hân hoan đã không còn mà thay vào đó là cảm xúc tiếc nuối khi cả ba đội bóng của AFC đều bị loại.
Australia không thể tạo ra bất ngờ trước Argentina, Nhật Bản để thua Croatia trên chấm luân lưu và Hàn Quốc thì vỡ vụn sức mạnh như vũ bão của Brazil.
Nguyên nhân dẫn đến những thất bại này đơn giản là do sự chênh lệch lớn về mặt đẳng cấp giữa các đội tuyển.
Hay nói cách khác là trình độ của bóng đá khu vực châu Á với châu Âu và Nam Mỹ vẫn còn khoảng cách rất lớn, không chỉ san lấp chỉ bằng nỗ lực.
Còn một nguyên nhân nữa khiến các đại diện AFC thua toàn diện là bản lĩnh ở những thời khắc then chốt vẫn chưa thực sự vững.
Nhật Bản để thua Croatia trên chấm luân lưu
Ví dụ điển hình cho điều này chính là loạt sút 11m của Nhật Bản và Croatia vào đêm 5/12.
Trong 4 lượt đá, “Samurai xanh” đã sút hỏng tới 3 quả. Trong khi các cầu thủ của đại diện châu Âu lại cho thấy sự lạnh lùng và thực hiện thành công 3 lượt sút.
Rõ ràng, không chỉ nhỉnh hơn châu Á về mặt đẳng cấp hay trình độ chuyên môn, các đội bóng Nam Mỹ và châu Âu còn cho thấy sự khác biệt về tâm lý cùng bản lĩnh thi đấu.
Đây là điều không thể xây đắp được bằng tiền, bằng kế hoạch mà buộc phải tích lũy từ thực tế, thực chiến.
Sự trỗi dậy của bóng đá châu Á rất đáng khen nhưng chưa đủ để giúp các đại diện AFC thách thức sự thống trị của hai nền bóng đá phát triển nhất thế giới là Nam Mỹ và châu Âu, ít nhất là tại World Cup 2022.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận