2 trận động đất liên tiếp đã xảy ra tại Nhật Bản. |
Theo Reuters, rạng sáng ngày 16/4, một trận động đất mạnh 7,3 độ Richter đã xảy ra tại tỉnh Kumamoto miền Nam Nhật Bản khiến ít nhất 16 người chết, hàng trăm người bị thương và nhiều người phải sơ tán đến những nơi trú ẩn an toàn. Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang khẩn trương đào bới đống đổ nát để tìm kiếm những nạn nhân bị mắc kẹt và mất tích.
Trận động đất đáng sợ xảy ra chỉ 1 ngày sau khi cơn địa chấn mạnh 6,4 độ Richter gây ảnh hưởng nghiêm trọng và cướp đi sinh mạng của 9 người cũng như khiến gần 1.000 người bị thương. Ông Shinji Toda, giáo sư Đại học Tohoku cho biết rất có thể trận động đất trước đó chính là tiền chấn cho cơn địa chấn mới xảy ra vào rạng sáng ngày hôm nay.
Theo báo cáo, những ngày qua, rất nhiều trận động đất lớn khác cũng đã xảy ra. Cụ thể, vào ngày 14/4, một trận động đất mạnh 5,9 độ Richter đã xảy ra ở khu vực đảo Mindanao, phía nam Philippines. Rất may là trận động đất không gây ra nguy cơ sóng thần cũng như không có báo cáo thương vong hay thiệt hại gì được ghi nhận.
Cũng trong ngày 14/4, một cơn địa chấn mạnh 6 độ Richter đã làm rung chuyển bờ biển ngoài khơi đảo Vanuatu ở Thái Bình Dương. Nó xảy ra ở khu vực cách thị trấn Port Orly khoảng 85km. Vanuatu vốn được biết đến là một trong những khu vực hay xảy ra động đất và núi lửa phun trào.
Trước đó, vào ngày 13/4, khu vực tây bắc Myanmar đã bị 1 trận động đất mạnh 7 độ Richter làm rung chuyển. Tại Bangladesh và một phần Ấn Độ, người ta vẫn có thể cảm nhận được dư chấn và rung lắc từ trận động đất này.
Trước đó ngày 10/4, một trận động đất khác cũng đã làm rung chuyển nhiều khu vực ở miền bắc Ấn Độ, Pakistan và thủ đô Kabul của Afghanistan. Các chấn động xảy ra liên tục và kéo dài ít nhất 5 phút.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, số lượng các trận động đất lớn xảy ra ở khắp vùng phía nam châu Á và Thái Bình Dương kể từ đầu năm đến nay cao hơn mức trung bình. Chỉ trong vòng hơn 3 tháng, 10 trận động đất đã xảy ra và gây ảnh hưởng tới rất nhiều khu vực.
Trước tình hình này, các nhà khoa học đang lo ngại một trận động đất mạnh hơn có thể xảy ra và gây hậu quả vô cùng nặng nề giống như trận động đất ở Nepal vào năm 2015 cướp đi sinh mạng của 8.000 người.
"Các điều kiện hiện nay còn có thể kích hoạt ít nhất 4 trận động đất mạnh hơn 8 độ Richter. Và nếu chúng xuất hiện muộn hơn, thì sự tích tụ còn có thể gây ra hậu quả thảm khốc hơn những trận động đất lớn", Roger Bilham, nhà địa chấn học của Đại học Colorado, Mỹ nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận