Giao tranh vẫn tiếp diễn ở miền Đông Ukraine. (Nguồn: ft.com) |
Châu Âu "né" can thiệp quân sự vào xung đột Ukraine
Theo Sputnik, ngày 27/4 trong cuộc trả lời phỏng vấn một kênh truyền hình Ukraine, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk gọi khả năng can thiệp quân sự của châu Âu vào cuộc xung đột ở Ukraine là “ảo vọng” và tuyên bố, ông phản đối kiểu diễn biến sự kiện như vậy.
Theo ông Tusk, tại thời điểm hiện nay, ưu tiên chính trị hàng đầu đối với châu Âu là hiện thực hóa thỏa thuận Minsk, do vậy châu Âu vẫn chưa đưa ra quyết định nào về việc cử phái bộ gìn giữ hòa bình hay lực lượng châu Âu tới Ukraine.
Sợ Nga, lính Mỹ ở châu Âu đòi súng...to hơn
Xe bọc thép Stryker thuộc Trung đoàn Kị binh số 2 của Mỹ tại Bialystok, Ba Lan hồi tháng 3/2015 |
Theo Infonet, hôm 26/4, Fox News đưa tin, một trong những đơn vị chiến đấu của Mỹ ở châu Âu đang yêu cầu chính phủ cung cấp súng lớn hơn trong bối cảnh căng thẳng với Nga ngày càng tăng vì cuộc xung đột Ukraine.
Trang tin tức quốc phòng Breaking Defense cho hay, Trung đoàn Kị binh số 2 của Mỹ yêu cầu trang bị cho 81 xe bọc thép Stryker đại bác tự động 30 mm thay vì súng có nòng 12,7 mm hiện tại
Cũng theo Breaking Defense, yêu cầu trên được đưa ra sau khi lực lượng xe thiết giáp tham gia tập trận ở các nuớc NATO tỏ ra thua kém so với Nga cả về số lượng lẫn hỏa lực. Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ đang xem xét cấp tiền để thực hiện yêu cầu trên.
Tổng thống Nga "không hối tiếc" việc sáp nhập Crimea
Tổng thống Vladimir Putin phát biểu tại một lễ kỷ niệm 1 năm ngày sáp nhập Nga tại Moskva ngày 18/3 (Ảnh: Xinhua) |
Cùng ngày 26/4, trong bài phỏng vấn phát sóng ngày 26/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ông không hề hối tiếc về việc Moskva sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014.
Ông Putin khẳng định mục đính sáp nhập Crimea không phải vì muốn thôn tính hay vì bán đảo này "có tầm quan trọng chiến lược trong khu vực quanh Biển Đen" mà chỉ là sửa lại sai lầm trong lịch sử khi mà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev chuyển giao Crimea từ Nga cho Ukraine vào năm 1954, một bước đi mang tính biểu tượng vì cả 2 nước khi đó đều thuộc Liên Xô.
Viện dẫn luật pháp quốc tế và hiến chương của Liên hợp quốc, Tổng thống Putin cũng khẳng định Nga không vi phạm luật pháp quốc tế với các hành động của họ ở Ukraine bất chấp các biện pháp trừng phạt của Phương Tây.
Na Uy theo sau EU mở rộng trừng phạt Nga
Trong một diến biến khác có liên quan đến khủng hoảng Ukraine, theo TTXVN, Bộ Ngoại giao Na Uy cho biết tiếp sau Liên minh châu Âu (EU), Na Uy cũng đã thông qua “danh sách đen” mở rộng dành cho Nga và Ukraine, trong đó có 19 cá nhân và 9 cơ sở pháp nhân.
Tuyên bố chính thức của đại diện bộ trên dành cho hãng thông tấn TASS nêu rõ: "Việc thông qua sửa đổi liên quan đến danh sách những người có tài khoản ở nước ngoài cần phải phong tỏa tương ứng với quyết định gần đây của EU".
Đáng chú ý là Na Uy liên kết với toàn bộ gói biện pháp trừng phạt của EU, mặc dù là quốc gia vùng Scandinavia và không phải là thành viên của liên minh này. “Danh sách đen” của Na Uy giống như danh sách mà EU lập ra.
Thủ tướng Ukraine quyết không để liên minh cầm quyền đổ vỡ
Thủ tướng Yatsenyuk (trái) và Tổng thống Petro Poroshenko |
Trong khi đó, tối 26/4, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk tuyên bố ông và Tổng thống Petro Poroshenko sẽ không cho phép lịch sử 10 năm trước lặp lại khi bất đồng giữa các đối tác đã hủy hoại liên minh cầm quyền trong quốc hội và giúp cho đối thủ chính trị của liên minh được bổ nhiệm làm thủ tướng.
Trả lời phỏng vấn trên "Kênh 5" của truyền hình Ukraine, ông Yatsenyuk cho biết: "Chúng tôi cùng tổng thống không cho phép kịch bản cách đây 10 năm lặp lại". Theo ông Yatsenyuk, các đối thủ chính trị của ông trong liên minh đang nỗ lực lợi dụng tình hình để thay đổi chính phủ.
Điện mật "tố cáo" Đức phớt lờ thảm họa hàng không phía Đông Ukraine?
Hãng RIA Novosti ngày 27/4 dẫn nguồn từ truyền thông Đức cho biết, điện mật của Bộ Ngoại giao Đức ngày 15/7/2014 đã cảnh báo tình hình không phận tại miền Đông Ukraine là “rất đáng lo ngại” sau khi 1 máy bay quân sự An-26 của không quân Ukraine đã bị bắn hạ tại khu vực này ở độ cao hơn 6.000m.
Theo đó, vào ngày MH17 gặp nạn, trên không phận khu vực miền Đông này còn có 3 máy bay của Lufthansa, trong đó 1 chiếc bay trước chuyến bay MH17 chỉ 20 phút. Bằng chứng trên cho thấy sự nguy hiểm đối với các máy bay trong vùng không phận miền Đông Ukraine, đặc biệt là các máy bay hành khách.
Tờ Suddeutsche Zeitung của Đức cũng khẳng định, cảnh báo đã được Bộ Ngoại giao đưa ra, nhưng cơ quan liên quan đã không thông báo cho các hãng hàng không Đức.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận