Hồ sơ tài liệu

Châu Âu bất lực, Ukraine nội chiến "kim tiền"

09/04/2015, 10:15

Cuộc chiến ở Ukraine còn là cái cớ để các nhà tài phiệt loại bỏ nhau và tìm kiếm một địa vị cao hơn

tinh-hinh-ukraine-cac-ben-chuan-bi-vu-khibr_191521
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk

Ngày 7/4/3015, tại Kiev diễn ra một cuộc biểu tình rất đáng chú ý, khi khoảng 800 người dân đã kéo tới cổng tòa nhà Quốc hội và phủ Thủ tướng để yêu cầu ông Arseny Yatsenyuk từ chức.

Những người này đã mang theo băng rôn, khẩu hiệu cáo buộc ông Thủ tướng tham nhũng, và đòi hỏi pháp luật được thực thi với những người có tội với quốc gia như vậy.

Cuộc biểu tình này rất đáng chú ý khi ngay trước đó một ngày, phe Cực hữu Pravyi Sector, vốn được cho là hậu thuẫn cho Thủ tướng từ cuộc bạo loạn dẫn đến đảo chính một năm trước ở Ukraine, đã hoàn toàn quy thuận Tổng thống Poroshenko.

Đổi lại, ông Poroshenkon đã trao cho người đứng đầu Pravyi Sector chức vụ Cố vấn cho Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, và những tay lính đánh thuê trong tổ chức này được biên chế vào các đơn vị lính của Kiev.

Có thể thấy rằng, Tổng thống Poroshenko đã tiến một bước dài trong cuộc đua quyền lực ở Kiev. Từ việc ông hạ bệ được đại kình địch - người được mệnh danh là "quyền lực thứ hai" Ukraine - tài phiệt Igor Kolomoisky, và tiếp đến là hạ bệ vây cánh của Thủ tướng Yatsenyuk, người luôn có tư tưởng đối lập với Tổng thống.

Những sự kiện đó khiến người ta dễ dàng liên tưởng đến việc Petro Poroshenko hoàn toàn có khả năng đứng đằng sau những cuộc biểu tình yêu cầu Yatsenyuk từ chức nói trên.

Từ đó để thấy, nội bộ Ukraine đang tiến hành những hành động đấu đá, triệt hạ lẫn nhau nhằm củng cố thế lực chính trị của mình. Tuy nhiên, cục diện không đơn thuần chỉ là sự tranh giành quyền lực trong nội bộ chính trường Ukraine.

Nhìn vào toàn bộ cuộc khủng hoảng, việc các phe phái thân phương Tây đối chọi với nhau là điều rõ như ban ngày. Nhưng còn một cuộc đấu ngầm trong nội bộ các nhà tài phiệt của Ukraine. Và cần nhớ rằng, bản thân Petro Poroshenko cũng là một tài phiệt, được mệnh danh là ông hoàng Chocolate.

1-us-preparing-economic-sanctions-russia-si-140988
 

Cuộc chiến giữa các tỷ phú ấy còn thể hiện qua cuộc nội chiến giữa Kiev và Donbass. Xuyên suốt cuộc nội chiến này, đã có ít nhất hai lần phe ly khai Donetsk hoãn các chiến dịch tấn công lớn để kiểm soát thành phố cảng Mariupol. Một lần vào tháng 8/2014 và lần tiếp theo vào tháng 1/2015.

Khi đó, quân đội Donetsk, Lugansk gần như đã vây kín Mariupol. Lực lượng phòng thủ bên trong thành phố đã sẵn sàng tâm lý tử chiến. Thế nhưng, hồi kèn xung trận từ ly khai đã không vang lên. Câu hỏi đặt ra ở đây, phép màu kỳ diệu nào đã cứu Mariupol không trở thành một phần của những người ly khai thân Nga.

Để trả lời cho câu hỏi ấy, cần phải xem xét Mariupol có giá trị thực sự quan trọng đối với ai? Ngày 6/4/2015, cựu thủ lĩnh của Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng, Alexander Borodai đã hé lộ Mariupol được cứu bởi Donetsk đã nể mặt tỉ phú giàu nhất Ukraine Rinat Akhmetov. Nhân vật này được coi là nhà tài trợ số một cho lực lượng ly khai ở Donbass.

Theo Borodai, tài phiệt Akhmetov đã nhận định: "Chiến tranh mang nhiều rủi ro, nhưng sẽ mang lại vô vàn lợi nhuận cho kẻ biết chớp cơ hội." Akhmetov cần xuất khẩu hàng hóa của mình tới các nước châu Âu, đặc biệt bằng đường biển. Tuy nhiên, bán đảo Crimea giờ đã thuộc Nga, và không một thành viên EU nào nhận hàng hóa xuất đi từ những cảng biển của bán đảo này.

Tiếp đến, Odessa - thành phố cảng lớn thứ hai Ukraine sẽ không thể cho một container nào của Akhmetov được hạ đặt bởi đơn giản, đây là lãnh địa của Igor Kolomoisky (người vừa bị Poroshenko hạ bệ).

Chỉ còn một đường thoát duy nhất cho Akhmetov đó là Mariupol. Đó là lý do khiến tài phiệt giàu nhất Ukraine này buộc phải chi đậm để Donetsk tha không đánh chiếm thành phố cảng này. Bởi nếu Mariupol thuộc về cộng hòa tự xưng Donetsk, đồng nghĩa với việc cũng rơi vào tình trạng chịu chung lệnh cấm vận mà EU áp đặt vào Nga và ly khai Donbass.

Có thể thấy rằng, những nhà tài phiệt lớn nhỏ của Ukraine đã bắt đầu phân chia phe phái ngay từ khi cuộc chính biến tại quốc gia này diễn ra. Chỉ có điều, Akhmetov là kẻ biết chớp thời cơ khi ủng hộ vào sứ quân đang chiếm thế thượng phong lúc này là Donetsk, thay vì tổ chức quân đội riêng như Kolomoisky hay đứng về phía Poroshenko.

Những nhà tài phiệt thường dùng tiền của mình để chi phối chính trị, đảm bảo chính trị là một công cụ để họ kiếm thêm được rất nhiều tiền. Và trong bối cảnh tranh tối tranh sáng như tại Ukraine hiện nay, những tỷ phú nội địa ấy buộc phải tìm kiếm cho mình con đường kinh doanh sao cho mang lại lợi ích cao nhất, bất chấp việc kinh doanh trên chính mạng sống đồng bào và vận mệnh dân tộc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.