Châu Âu mài dũa quy định hàng không để chống cạnh tranh khốc liệt từ hàng không vùng Vịnh. |
Nhiều hãng hàng không Mỹ và châu Âu đều khiếu nại lên Chính phủ, cáo buộc các hãng hàng không vùng Vịnh nhận trợ cấp trái phép của Chính phủ, cạnh tranh không lành mạnh nhưng nhận được phản ứng trái chiều.
10 năm, lượng khách tăng gấp 3
Cách đây một tuần, các hãng hàng không Mỹ thể hiện bức xúc về vấn đề trợ cấp Chính phủ cho hàng không vùng Vịnh để tăng cường cạnh tranh với hàng không Mỹ lên Tổng thống Mỹ Donald Trump và tha thiết kêu gọi ngăn chặn tình hình này.
Cũng như Mỹ, nhiều năm nay, nhiều hãng hàng không quốc gia tại châu Âu như: Air France-KLM Group (Pháp) và Deutsche Lufthansa AG (Đức) bày tỏ lo ngại Chính phủ vùng Vịnh trợ cấp trái phép cho các hãng hàng không Nhà nước để mở rộng sang thị trường châu Âu, gây áp lực cạnh tranh khốc liệt với các hãng hàng không khu vực và vi phạm thỏa thuận bầu trời mở được ký giữa các bên. Từ tháng 12/2014, Giám đốc điều hành của nhiều hãng hàng không châu Âu gửi “tâm thư” lên Ủy viên Giao thông châu Âu Violeta Bulc chỉ trích các hãng hàng không vùng Vịnh nhận trợ cấp trái phép. Các hãng này hối thúc bà Bulc tăng cường nỗ lực chặn dòng trợ cấp được cho là bất hợp pháp của Chính phủ các quốc gia vùng Vịnh với các hãng hàng không đối tác.
Thực tế, năm ngoái, tổng lượt khách trên các chuyến bay giữa EU và 6 quốc gia trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (bao gồm: Saudi Arabia, Kuwait, Oman, Bahrain, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất - UAE) lên tới 36 triệu lượt, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ 10 năm trước. Trong đó, riêng hàng không của UAE đã tăng cường mở các đường bay trực tiếp tới châu Âu với số lượng cao hơn tổng đường bay Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản tới châu Âu gộp lại.
Về phần mình, ba hãng hàng không lớn tại vùng Vịnh như: Qatar Airways, Emirates và Etihad Airways bác bỏ mọi cáo buộc và tố ngược chính các hãng hàng không của Mỹ, châu Âu đang đi theo chủ nghĩa bảo hộ.
Mỹ lăn tăn, Châu Âu mạnh tay
Trước những lo ngại này, Chính phủ Mỹ và Liên minh châu Âu thể hiện thái độ xử lý khác nhau. Về phía Mỹ, sau cuộc gặp mặt với tân Tổng thống Trump khoảng trung tuần tháng 2 vừa rồi, các hãng hàng không lớn của nước này không còn đặt hy vọng vào chính quyền ông Trump có thể tạo đột phá để giảm áp lực từ cạnh tranh với các hãng hàng không vùng Vịnh so với chính quyền tiền nhiệm. Tại cuộc họp, ông Trump tỏ ra rất cảm thông với các hãng hàng không Mỹ về những bức xúc của họ nhưng ông khẳng định các hãng hàng không vùng Vịnh cũng đang mang lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ.
“Tôi biết các bạn đang bị áp lực rất nhiều từ các yếu tố nước ngoài và các hãng hàng không nước ngoài. Tôi đã nghe nhiều về những búc xúc này. Song, chúng ta cũng muốn tạo điều kiện tốt nhất cho họ. Bởi, họ mang đến đây rất nhiều khoản đầu tư khổng lồ. Có thể, đôi khi, những khoản đầu tư đó đến từ Chính phủ nhưng dù gì đó cũng là những khoản đầu tư lớn”, ông Trump nói.
Tuy nhiên, phía châu Âu có vẻ rốt ráo hơn. Reuters dẫn nhiều nguồn tin độc quyền cho biết, Uỷ ban châu Âu sẽ sửa đổi luật chống phá giá và cạnh tranh không công bằng trong ngành Hàng không trên các tuyến xuyên Đại Tây Dương. Luật này được đưa ra từ năm 2004, vốn được dùng để nhắm vào các hãng hàng không Mỹ nhưng chưa bao giờ được sử dụng và không được đánh giá có hiệu quả cao.
Song, ở lần cải tổ này, Uỷ ban châu Âu muốn nhắm tới các hãng hàng không vùng Vịnh (Qatar Airways, Emirates và Etihad Airways). Theo Reuters, trong dự thảo luật sửa đổi, Uỷ ban châu Âu muốn đảm bảo cạnh tranh công bằng cho các hãng hàng không trong khối liên minh này trước những hãng hàng không và Chính phủ nước ngoài, ở những vấn đề không thể giải quyết qua các thoả thuận bầu trời mở. Các vấn đề được nêu trong dự thảo cải cách mới bao gồm trợ cấp Chính phủ bất hợp pháp, thiên vị trong các vấn đề phân bổ giờ hạ/cất cánh (Slot), dịch vụ mặt đất, phí sân bay, tiếp dầu…
Đề xuất dự thảo cho phép một hiệp hội hàng không, hãng hàng không, nước thành viên châu Âu có thể khiếu nại lên Uỷ ban châu Âu. Cơ quan này sẽ điều tra nếu có bằng chứng hiển nhiên cho thấy hành vi làm tổn thương hoặc đe dọa tổn thương tới một hoặc nhiều hãng hàng không trong khối. Quá trình điều tra sẽ được thực hiện trong vòng hai năm. Uỷ ban có thể thực hiện bất cứ cuộc điều tra nào khác ở nước thứ ba bị nghi ngờ nếu chính quyền và hãng hàng không nước đó đồng ý.
Một khi Uỷ ban này kết luận, một hãng hàng không của EU chịu tổn thương hoặc đe dọa bị tổn thương vì hành vi không công bằng từ 1 đất nước/hãng hàng không nào, khả năng đất nước/hãng hàng không đó sẽ bị áp thuế hoặc đình chỉ "nhượng quyền, dịch vụ hoặc quyền của hãng hàng không nước thứ ba hoặc quyền của nước thứ ba”.
Dự thảo này cần được Nghị viện châu Âu và các nước thành viên trong Liên minh châu Âu thông qua trước khi chính thức được thông báo vào ngày 26/4 tới.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận