Thế giới giao thông

Châu Âu lo Trung Quốc thâu tóm thị phần đóng tàu khách

27/07/2017, 09:05

Vị trí thống lĩnh của các tập đoàn, công ty châu Âu trên thị trường đóng tàu chở khách thế giới có nguy cơ...

27

Trung Quốc được dự đoán sẽ trở thành thị trường tàu du lịch biển lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ

Vị trí thống lĩnh của các tập đoàn, công ty châu Âu trên thị trường đóng tàu chở khách thế giới có nguy cơ bị lung lay vì các đối thủ Trung Quốc bắt đầu bước chân vào sân chơi trị giá đến 117 tỷ USD để khai thác nhu cầu du lịch bằng tàu biển tăng mạnh ngay trong nội địa nước này. 

Coi đóng tàu du lịch là mục tiêu quốc gia 

Theo số liệu từ trang tin về ngành tàu biển Seatrade Cruise, các công ty đóng tàu của châu Âu đang nắm trong tay các đơn hàng đóng 68 tàu du lịch tính đến năm 2025, hoàn toàn bỏ xa các khu vực khác. Song, họ không thể chủ quan được nữa vì vừa qua, Chính phủ Trung Quốc khẳng định, coi ngành đóng tàu du lịch là một trong những mục tiêu lớn trong chương trình “Made in China 2025” để cải thiện công việc hỗ trợ, sản xuất tại các xưởng đóng tàu của nước này trong bối cảnh nhu cầu nội địa đối với du lịch bằng tàu chở khách viễn dương cỡ lớn tăng 30%/năm. Trung Quốc được dự đoán sẽ trở thành thị trường lớn thứ 2 trên thế giới sau Mỹ, tính đến năm 2030.

Một số hãng đóng tàu châu Âu lo ngại Trung Quốc có thể độc chiếm thị trường tàu du lịch như họ đã từng càn quét thị trường tàu chở hàng trong nhiều thập kỷ gần đây. Ông Reinhard Luken, Giám đốc điều hành Hiệp hội Ngành công nghiệp hải dương và đóng tàu Đức (VSM) cho biết: Việc Trung Quốc bất ngờ coi ngành đóng tàu là mục tiêu quốc gia có nguy cơ sẽ tạo xu hướng cạnh tranh méo mó. Nếu Trung Quốc ấn định một mục tiêu, họ sẽ tung ra gần như tất cả mọi nguồn lực sẵn có để thực hiện bằng được.

Nhiều xưởng đóng tàu Trung Quốc đưa ra các đề nghị giảm giá tới 30% và giao hàng sớm để giành đơn hàng từ phương Tây. Tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp thương mại Trung Quốc đã ký thỏa thuận đóng 10 tàu cho Tập đoàn SunStone Ship; Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Xiamen giành được đơn hàng trị giá 222 triệu USD từ Công ty Viking Line của Phần Lan vào tháng 4, để đóng một tàu du lịch biển có thể chở 2.800 khách. 

CEO Viking Line - ông Jan Hanses cho biết: “Công ty đóng tàu quan tâm tới dự án của chúng tôi”. Theo ông, công ty đã nhận được sự chú ý từ 6 công ty đóng tàu Trung Quốc bao gồm: Công ty Đóng tàu quốc tế Quảng Châu, Yantai CIMC Raffles và AVIC Weihai Shipyard… 

Công nghệ đóng tàu không đơn giản

Song, theo các chuyên gia, chuyện nghiên cứu phương pháp đóng tàu du lịch biển không dễ dàng đối với Trung Quốc. “Loại tàu này gần như một khách sạn trên biển, yêu cầu hãng đóng phải có trong tay sự hỗ trợ của ít nhất hàng trăm nhà cung cấp nguyên vật liệu, phụ tùng, thiết bị…”, Giám đốc Ban Phát triển doanh nghiệp ngoài khơi và hàng hàng hải Greater China thuộc Tổ chức Đảm bảo chất lượng Lloyds’ Register cho hay.

Để tìm hiểu công nghệ của châu Âu, tại xưởng đóng tàu Waigaoqiao của Thượng Hải, nằm ngay cửa sông Dương Tử, Tập đoàn Đóng tàu quốc gia Trung Quốc (CSSC) đã thuê rất nhiều công ty tư vấn châu Âu, trong đó có cả nhân viên của hãng đóng tàu Fincantieri từ Italia, giúp họ tìm cách cạnh tranh đóng du thuyền viễn dương. Họ cũng thu hút các nhà cung cấp nước ngoài như Wartsila của Phần Lan để thành lập các công ty liên doanh với địa phương.

Hiện nay, CSSC đang có đơn đặt hàng đóng 2 tàu du lịch viễn dương, có thể chở tới 5.000 hành khách, là một phần trong thỏa thuận trị giá 1,5 tỷ USD do công ty này ký kết với công ty khai thác du thuyền của Mỹ Carnival và Fincantieri hồi tháng 2 năm nay.

Theo hai giám đốc điều hành giấu tên ở trong ngành, chính Carnival - khách hàng lớn nhất của CSSC đã khuyến khích Fincantieri giúp đỡ phía Trung Quốc, vì bản thân công ty này cũng đang thúc đẩy để phát triển thị trường tàu du lịch tại đây.

Hai vị CEO hé lộ, Chính phủ Trung Quốc đã trao đổi với Carnival một điều kiện: Họ chỉ có thể phát triển thị trường tại nước này nếu giúp ngành đóng tàu nội địa phát triển. Khi được hỏi về chi tiết này, CSSC không bình luận; Bộ Thương mại Trung Quốc từ chối phản ứng, cho rằng đây là vấn đề của doanh nghiệp. Còn Carnival cho biết, họ khuyến khích Fincantieri tham gia dự án đóng tàu này nhưng lưu ý rằng các kế hoạch của riêng họ để khai trương tuyến tàu du hành biển đầu tiên tại Trung Quốc với CSSC và Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc được bàn bạc riêng. 

Về phần mình, Fincantieri khẳng định, họ tham gia vào thị trường Trung Quốc hoàn toàn dựa trên phân tích về cơ hội kinh doanh từ tiềm năng tuyệt vời của thị trường này. 

“Các công ty đóng tàu châu Âu có thể phải bỏ thị trường này cho Trung Quốc như những gì họ đã làm với thị trường tàu bồn chứa khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG)”, bà Nathalie Durand - Prinborgne, đại diện Liên đoàn Lao động tại Công ty Đóng tàu STX France nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.