Ủy ban châu Âu (EC) dự định công bố tiêu chuẩn phát thải Euro 7 vào ngày 9/11. Tiêu chuẩn này sẽ có hiệu lực vào năm 2025, thay thế tiêu chuẩn Euro 6 được lập ra năm 2014.
Theo đó, EC có thể thắt chặt giới hạn phát thải của phương tiện giao thông đường bộ, chủ yếu là các loại khí độc nitơ oxit (NOx) và bụi mịn. Cụ thể, giới hạn phát thải NOx sẽ được siết chặt từ 60 như hiện hành xuống còn 30mg/km, giới hạn bụi mịn từ 4,5 xuống còn 2mg/km.
Chuyên gia thuộc EC cho rằng giới hạn này là phù hợp nếu xét đến tiêu chí về giá phương tiện và cắt giảm ô nhiễm không khí.
Tuy nhiên, quy định mới sẽ khiến giá phương tiện chạy bằng xăng tăng 0,8%, giá phương tiện chạy bằng dầu diesel tăng 2,2%. Do đó, theo dự thảo tiêu chuẩn Euro 7 mà hãng tin Guardian tiếp cận được, EC đã “điều chỉnh” khuyến nghị hiệu suất do chính các chuyên gia của cơ quan này đưa ra để giảm áp lực lên chuỗi cung ứng ô tô trong tình hình căng thẳng địa chính trị và kinh tế hiện nay.
Ảnh minh họa. Ảnh - AP
Theo đó, bản dự thảo tiêu chuẩn Euro 7 chỉ đề xuất đưa tiêu chuẩn phát thải với phương tiện chạy dầu diesel ngang bằng tiêu chuẩn áp dụng với ô tô chạy xăng theo quy định trong tiêu chuẩn Euro 6 hiện hành, trong khi tiêu chuẩn với ô tô chạy xăng sẽ không thay đổi.
Trước thông tin trên, chiến dịch Giao thông và Môi trường (T&E) ước tính 100 triệu ô tô chạy xăng sản xuất theo tiêu chuẩn Euro 6 vẫn được phép chạy trên đường giao thông tại châu Âu tới những năm 2040 và có thể vẫn được tiếp cận những khu vực có tiêu chuẩn phát thải thấp.
Bà Anna Krajinska, Giám đốc phát thải phương tiện và chất lượng không khí tại T&E, cho rằng: “Việc EC bác bỏ đề xuất của nhóm chuyên gia có thể ảnh hưởng việc siết tiêu chuẩn phát thải với ô tô, xe tải. Ngành công nghiệp ô tô đã sử dụng nhiều mánh khóe trong vận động hành lang để tác động tới những người ra quyết định khiến EC nhượng bộ theo yêu cầu của họ. Lợi nhuận của nhà sản xuất ô tô đang được ưu tiên hơn sức khỏe của hàng triệu người dân châu Âu”.
Mặt khác, cũng theo hãng tin Guardian, các nhà sản xuất ô tô đã rốt ráo thực hiện chiến dịch vận động hành lang đối với EC liên quan tới tiêu chuẩn Euro 7. Báo Der Spiegel của Đức cho biết một quản lý của hãng Volkswagen đã chỉ ra “bức tranh đáng sợ” với các quan chức EU về hậu quả khi áp dụng các tiêu chuẩn cứng rắn.
Về phần mình, một phát ngôn viên của Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô châu Âu cho hay ngành công nghiệp ô tô đề nghị các nhà hoạch định chính sách có cách tiếp cận hiệu quả về chi phí trong khi vẫn đạt mục tiêu về phát thải CO2. Người phát ngôn cũng khẳng định các nhà sản xuất ô tô tại châu Âu đang nỗ lực nhằm đạt mục tiêu không phát thải carbon.
Theo nội dung dự thảo tiêu chuẩn Euro 7, kể từ khi tiêu chuẩn Euro 6 được áp dụng vào năm 2013, lượng phát thải NOx của ô tô đã giảm 22%, của xe bus, xe tải đã giảm 36%, lượng phát thải bụi mịn của ô tô, xe tải van giảm 28%, của xe tải, xe bus giảm 14%.
Dựa trên khuyến nghị ban đầu của nhóm chuyên gia EC, tiêu chuẩn Euro 7 sẽ giúp tiết kiệm 136 tỷ Euro chi phí môi trường và sức khỏe vì theo thống kê, trong năm 2018, có 70.000 trường hợp tử vong tại châu Âu là do ô nhiễm phát thải từ phương tiện giao thông đường bộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận