Bất động sản

"Chạy đua" mở rộng trung tâm thương mại

04/01/2025, 18:43

Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam tăng lên nhanh chóng tạo động lực cho phát triển trung tâm thương mại, cơ sở bán lẻ hàng tiêu dùng. Nhờ thế, phân khúc bất động sản này ngày càng trở nên trở lên sôi động.

Đổ xô xây dựng trung tâm thương mại

Tại Hà Nội nhiều dự án trung tâm thương mại lớn được đầu tư, đưa vào sử dụng, kể đến như: Vincom Mega Mall Ocean Park (Gia Lâm); Vincom Smart City (Nam Từ Liêm); Lotte Mall Hà Nội, Park City quận Hà Đông. Đáng chú ý là Tập đoàn Vingroup khởi công Trung tâm thương mại Vincom Mega Mall và Tổ hợp phố thương mại Grand World tại dự án Vinhomes Global Gate (Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) quy mô 3,1ha với diện tích sàn 70.000m2.

"Chạy đua" mở rộng trung tâm thương mại- Ảnh 1.

Nhiều ông lớn chạy đua mở rộng trung tâm thương mại. Ảnh minh họa.

Phân khúc này khá sôi động tại TP.HCM. Theo Savills Việt Nam, quý III, diện tích cho thuê mặt bằng bán lẻ TTTM tại TP.HCM đạt 1,6 triệu m², tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Công suất thuê trung bình duy trì ở mức 94%, với các dự án lớn Hùng Vương Plaza, AEON Mall, Vạn Hạnh Mall đạt 100% công suất, phản ánh nhu cầu mạnh mẽ. Thị trường năm 2024 chứng kiến thêm sự gia nhập của nhiều thương hiệu quốc tế lớn.

Cũng theo Savills, quý 4/2024, hơn 27.600m² sàn từ ba dự án mới ngoài trung tâm TP.HCM dự kiến khai trương, đánh dấu bước mở rộng quan trọng trong thị trường bán lẻ TP.HCM. Đơn vị này dự báo, đến năm 2027, khu vực ngoài trung tâm sẽ chiếm 55% tổng nguồn cung 163.100m².

Trung tâm thương mại cũng được khởi công ở nhiều tỉnh thành khác, đơn cử như tại Thanh Hóa, Aeon Mall khởi công Trung tâm thương mại Aeon Mall Thanh Hóa tại phường Quảng Thành, TP Thanh Hóa. Dự án này có quy mô 10,5ha, diện tích sàn 120.000m2, diện tích cho thuê 52.000m2. 

Công ty Cổ phần Bất động sản Việt - Nhật (thành viên của Tập đoàn Central Retail Việt Nam) khởi công dự án Trung tâm thương mại Go!. Diện tích dự án khoảng 12.717m2, với quy mô đầu tư xây dựng 223 tỉ đồng...

TTTM mở rộng các vùng ven

Lý giải về sự phát triển mạnh mẽ của phân khúc này trong năm qua, bà Trần Phạm Phương Quyên, quản lý bộ phận Cho thuê bán lẻ Savills Việt Nam, cho biết Trung tâm thương mại (TTTM) đang trở thành lựa chọn hàng đầu của các thương hiệu quốc tế tại Việt Nam nhờ lợi thế vượt trội về pháp lý, kỹ thuật và quản lý hiệu quả.

TTTM không chỉ là nơi hội tụ của các thương hiệu xa xỉ, TTTM còn thu hút người tiêu dùng nhờ sự đa dạng ngành hàng, từ thời trang, ăn uống đến giải trí. Những lợi thế này đã củng cố vị thế của TTTM trong hệ sinh thái bán lẻ, đồng thời thúc đẩy sự cạnh tranh với các mô hình bán lẻ khác.

Thị trường bán lẻ và bất động sản bán lẻ tại Việt Nam đang ghi nhận những tín hiệu tích cực, nhờ nền kinh tế ổn định, dân số trẻ, và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng tại TP.HCM và Hà Nội. Hạ tầng giao thông cải thiện và quy mô dân số lớn, tiếp tục dẫn đầu về nhu cầu không gian bán lẻ, thu hút sự quan tâm từ các thương hiệu quốc tế... 

Song, bà Quyên cũng nhìn nhận, chi phí thuê mặt bằng bán lẻ TTTM ở các quận trung tâm đang cao hơn đáng kể so với các quận bán trung tâm, đặt ra không ít thách thức cho các thương hiệu mới gia nhập. "Giá thuê mặt bằng tại các quận trung tâm hiện nay trung bình đắt gấp đôi, thậm chí gấp ba so với các quận bán trung tâm".

Bà Trang Đỗ, chuyên gia cao cấp của Colliers (Việt Nam), cũng nhận định "miếng bánh" thị phần mặt bằng bán lẻ vô cùng hấp dẫn nhưng ngày càng khốc liệt khi một số thương hiệu bán lẻ đến từ Nga, Mỹ, châu Âu có tiềm lực mạnh đang nôn nóng nhảy vào thị trường Việt Nam.

Chính sự cạnh tranh khốc liệt khiến giới chủ trung tâm thương mại ngày càng chuộng xu hướng mở rộng ra khu vực vùng ven thay vì cố gắng "đốt tiền" để ở lại khu vực trung tâm.

Ngay cả các ông lớn như Central Group và Aeon Mall đang mở rộng mô hình mới tại vùng ven TP.HCM và Hà Nội. Bên cạnh xu hướng dạt vùng ven, giới chủ phát triển mặt bằng trung tâm thương mại liên tục phải đưa ra chiến lược cải tổ trong thời gian qua, vị chuyên gia nhìn nhận.

Nghiên cứu của Savills và Oxford Economics dự báo, dân số TP.HCM và Hà Nội sẽ vượt ngưỡng 10 triệu người vào năm 2028, củng cố sức hút của thị trường. Việt Nam cũng đang trong giai đoạn dân số vàng, với 21% dân số thuộc độ tuổi 10-24, theo Liên Hợp Quốc. Tầng lớp trung lưu mở rộng nhanh chóng, dự kiến đạt 23,2 triệu hộ gia đình vào năm 2030, tạo động lực lớn cho tiêu dùng, đặc biệt trong phân khúc cao cấp.

Mặc dù các thương hiệu cao cấp đã gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam, quy mô thị trường vẫn còn khiêm tốn so với Bangkok hay Singapore. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa kinh tế ổn định, dân số trẻ và tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mở ra cơ hội để Việt Nam phát triển ngành bán lẻ cao cấp, hướng tới vị thế ngang tầm với các thị trường lớn trong khu vực.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.