Ông Thu báo cáo Phó Thủ tướng về việc xử lý nợ đọng thuế với 2 công ty vàng Bồng Miêu, Phước Sơn. |
Theo ông Thu, nguyên nhân là do các đơn vị này chây ỳ trả số thuế nợ. Thống kê, đến cuối tháng 5/2016, tổng số tiền thuế nợ của 2 đơn vị vàng Bồng Miêu, vàng Phước Sơn lên đến hơn 430 tỷ đồng (cả gốc và lãi). UBND tỉnh đã chỉ đạo Cục thuế tỉnh áp dụng đầy đủ, trình tự các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định của pháp luật nhưng đến nay Cục Thuế vẫn chưa thể thu hồi.
Theo đại diện Bộ TN&MT, việc gia hạn khai thác vàng chỉ được phép khi doanh nghiệp hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với địa phương.
Đáng nói, từ ngày 5/3/2016, giấy phép khai thác khoảng sản của Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu đã hết hạn. Quảng Nam yêu cầu Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu dừng các hoạt động khai thác, kinh doanh, tuy nhiên trong thời gian vừa qua, đơn vị vẫn tiến hành “khai thác chui” tại khu vực Núi Kẽm…
Ông Thu cho hay, tháng 6 vừa qua, Tổng cục địa chất và khoảng sản Việt Nam có công văn phúc đáp rõ: Bồng Miêu không đủ cơ sở để xem xét việc gia hạn khai thác, đến nay công ty này mới dừng thực hiện khai thác, chế biến.
Làm rõ việc ngân hàng bảo lãnh trả nợ thuế
Riêng công ty TNHH Vàng Phước Sơn, thời hạn khai thác quạng vàng bằng phương pháp hầm lò tại khu vực Bãi Gõ, Bải Đất, mỏ vàng ĐăkSa (Phước Đức, Phước Sơn) còn thời hạn đến ngày 24/4/2017 (5 năm), nhưng vấn đề nan giải số tiền nợ thuế rất lớn (hơn 300 tỷ đồng). Từ tháng 7/2014-12/2015, vàng Phước Sơn đã tạm ngừng sản xuất.
Nợ đọng thuế là vấn đề "nóng" của công ty vàng Bồng Miêu, Phước Sơn. |
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, tháng 1/2016 đến nay, Công ty vàng Phước Sơn đã chuẩn bị cho công tác tái hoạt động sản xuất, dự kiến tháng 8/2016 sẽ chính thức đưa nhà máy vào sản xuất này.
“Công ty được ngân hàng thương mại Việt Á bảo lãnh trả nợ thuế trong 12 tháng, kể từ ngày 15/8 tới. Tỉnh đang chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ cơ chế bảo lãnh, việc trả nợ thuế này. Tinh thần thận trọng, đúng pháp luật. Ngày mai (11/7), Cục thuế sẽ có trả lời chính thức. Nếu đảm bảo đúng các quy định pháp luật, việc trả nợ thuế khả thi, vàng Phước Sơn mới có thể được cho phép hoạt động trở lại", ông Thu nói. Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, thay vì trước đây việc quản lý hoạt động khai thác khoảng sản do nhiều sở ngành, đơn vị phụ trách, nay tỉnh tăng thẩm quyền cho xã, huyện, địa phương.
Ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng: Việc ngân hàng bảo lãnh không trái với quy định pháp luật, nhưng cầu phải thương thảo giữa các bên để xác định phạm vi về bảo lãnh. Cần bảo lãnh cả tiền nợ, tiền phạt. Lãnh đạo Bộ Tài chính lưu ý Quảng Nam cần xem xét việc hiện nay ngân hàng đã cho vàng Phước Sơn vay rất nhiều, công tác khoanh trả nợ, chuyển nhượng ra sao?
"Đây là doanh nghiệp liên quan vốn đầu tư nước ngoài nên việc giải quyết càng phải "chuẩn chỉ", việc xử lý phải cương quyết, không để lâu như thời gian vừa qua", ông Hà nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận