Ngày 8/9, trao đổi với phóng viên Báo Giao thông về vụ việc chấn động trên, luật sư Lê Bá Thường, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết phải đợi cơ quan chức năng xác định nguyên nhân vụ việc cụ thể gây cháy là gì mới có thể quy trách nhiệm rõ ràng? Trước đây, có nhiều vụ cháy quán karaoke thường là do chập điện.
Câu hỏi được đặt ra là trách nhiệm hình sự và dân sự về cái chết của 32 người trong vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương nếu do nguyên nhân chập điện, tự cháy nổ sẽ được giải quyết thế nào?
Lực lượng cứu hộ có mặt tại hiện trường vụ cháy quán karaoke làm 33 người chết ở Bình Dương để cứu hộ cứu nạn.
Luật sư Thường cho rằng: "Xét về mặt pháp lý, chủ sở hữu của quán karaoke phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Nếu kết luận của cơ quan điều tra phát hiện cơ sở kinh doanh karaoke này hoạt động không tuân thủ các quy định về an toàn PCCC dẫn đến vụ việc cháy xảy ra làm chết 32 người, chủ quán karaoke có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy. Chủ quán có thể đối diện với mức án phạt tù từ 7 - 12 năm".
Bên cạnh đó, chủ quán còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm (Điều 313 BLHS 2015)”, luật sư Thường thông tin.
Cũng theo luật sư Thường ngoài ra, chủ quán karaoke này còn phải có trách nhiệm bồi thường về mặt dân sự cho các nạn nhân tuỳ theo mức độ hậu quả xảy ra với từng nạn nhân (Điều 584, 590 và 591 Bộ luật Dân sự 2015).
Nếu trường hợp kết luận của cơ quan điều tra về nguyên nhân bị phát hỏa cháy nổ là do cá nhân của người nào đó cố tình phóng hỏa để gây ra cháy nổ làm chết người nhằm mục đích tư thù thì hành vi phóng hỏa với mục đích tước đi mạng sống của những người trong quán karaoke sẽ cấu thành tội phạm giết người. Với hậu quả làm chết đến 33 người, hành vi này có thể bị xử tù đến chung thân hoặc tử hình (Điều 123 BLHS 2015).
Luật sư Thường cho biết, Luật Đầu tư 2020 đã quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó phải bảo đảm điều kiện về phòng, chống cháy nổ, cơ sở kinh doanh mới được cấp giấp phép kinh doanh karaoke.
Bên cạnh đó, thông tư 147/2020/TT-BCA đã có quy định cụ thể các điều kiện an toàn về PCCC đối với các cơ sở kinh doanh karaoke. Ngoài ra, cơ sở kinh doanh karaoke phải đảm bảo điều đáp ứng đầy đủ các quy định về thiết kế phòng hát, cầu thang, lối thoát hiểm, có phương án chữa cháy mới được cấp phép kinh doanh (Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP).
Do đó, chúng ta nhận thấy qua nhiều vụ cháy nổ ở các quán karaoke thì phần lớn do các nguyên nhân: Cơ sở kinh doanh không tuân thủ chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về an toàn PCCC do cơ quan hữu quan ban hành; Thiết kế hệ thống điện sử dụng cho máy vi tính, dàn âm thanh tại các cơ sở karaoke thường có công suất lớn không đảm bảo về công suất tiêu thụ của các thiết bị điện.
Bên cạnh đó là việc cơ sở karaoke thiết kế các phòng hát karaoke với không gian kín, cách âm, dây điện nhiều, vật liệu dễ bắt lửa, khi hỏa hoạn tốc độ cháy lan nhanh, mức độ thiệt hại về người và của rất khủng khiếp gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Cơ sở karaoke thiết kế cầu thang bộ, không có lối thoát hiểm hoặc có chỉ mang tính đối phó, hành lang đi lại giữa các phòng rất chật hẹp, ít đèn rất tối tăm nên khi xảy hỏa hoạn...mọi người không có lối thoát, không kịp chạy ra ngoài quán.
"Khi để xảy ra hỏa hoạn, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng về tính mạng của nhiều người như thế, nếu trong kết luận điều tra mà quán karaoke không thực hiện đúng các biện pháp an toàn PCCC cũng có một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước của địa phương. Đó là, cơ quan chức năng hữu quan buông lỏng quản lý, tuyên truyền, thanh tra kiểm tra thường xuyên để phát hiện kịp thời những sai sót, không đảm an toàn PCCC của quán karaoke để xử phạt kịp thời thì đã không xảy ra hậu quả đáng tiếc như hôm nay", luật sư Thường cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận