Rước họa vì... tự nghiền, trộn thuốc pháo
Thời gian gần đây, Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Bỏng Quốc gia tiếp nhận nhiều ca bệnh bỏng nặng do tự chế tạo thuốc pháo theo hướng dẫn trên mạng internet.
Gần đây nhất, ngày 10/1, bệnh nhân nam (17 tuổi) bị bỏng do nổ thuốc pháo mức 12% độ II, III mặt, hai tay. Được biết, do P. trộn bột lưu huỳnh và KClO3 sau đó cho vào máy xay sinh tố để nghiền và trộn nên thuốc nổ bùng lửa gây bỏng.
Hành động tương tự, bệnh nhân cũng 17 tuổi ở Thanh Hóa nhập viện vào ngày 4/1 vì bỏng do pháo. Không chỉ bỏng mặt, cổ, bệnh nhân bỏng nặng cả hai tay, hai chân.
Còn bệnh nhân nam ở Hà Tĩnh cũng bỏng lửa do pháo phải nhập viện với chẩn đoán bỏng 42% độ II, III mặt, cổ, ngực, hai tay. Theo lời kể của bệnh nhân T. ngày 7/1/2019, sau khi trộn lưu huỳnh và KClO3 theo hướng dẫn trên mạng internet, T. dùng lửa để thử sản phẩm sau khi chế tạo. Vị trí thuốc để thử và sản phẩm sau chế tạo cách nhau hơn 1 mét (theo nạn nhân kể). Thuốc nổ bùng lên ở cả hai vị trí gây bỏng. Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bỏng ngày 8/1/2019 với chẩn đoán Bỏng lửa thuốc pháo.
Chế tạo thuốc pháo theo mạng internet vô cùng nguy hiểm
Theo BS. Ngô Tuấn Hưng, Khoa Hồi sức cấp cứu, BV Bỏng Quốc gia, những ca bỏng nhập viện trên đều do tự chế thuốc pháo theo hướng dẫn trên mạng internet. Tổn thương do bỏng thuốc pháo đều rất nặng nề ở mặt, cổ, hai tay.
Ông Tuấn Hưng cho hay, tổn thương ở vùng mặt có thể gây phù nề tiến triển nhanh, dễ gây suy hô hấp. Hơn nữa, bỏng vùng mặt cổ dù có được chữa khỏi vẫn để lại di chứng về thẩm mỹ. Còn với bỏng ở hai tay và bàn tay có thể để lại di chứng sẹo co kéo, ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt và lao động sản xuất.
BS. Hưng cũng khuyến cáo, những tai nạn tương tự liên quan đến pháo không có xu hướng giảm trong dịp gần Tết cổ truyền. Do đó, cần tuyên truyền thanh thiếu niên, học sinh nhận thức được mối nguy hiểm của việc tự chế thuốc pháo đối với bản thân và xã hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận