Tính chất công việc nặng nhọc, độc hại nên thợ đóng tàu tay nghề cao dễ bị thu hút sang các doanh nghiệp khác bởi lương cao, ổn định |
Lao động “dứt áo” bỏ việc vì lương thấp
Trong tiếng búa, tiếng hàn xì chát chúa, ầm ầm và cái nóng nung người trong Phân xưởng Vỏ tàu Công ty TNHH MTV Đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn (Saigon Shipmarin) những ngày tháng 5/2018, anh Đỗ Tiến Sơn, Tổ trưởng Tổ sắt hàn chia sẻ, công việc đóng tàu rất nặng nhọc, vất vả. Lương bình quân công nhân trong tổ của anh khoảng 12 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, theo anh, mức lương này chưa tương xứng với công việc đòi hỏi tay nghề cao và đáp ứng được nhu cầu chi tiêu đắt đỏ ở khu vực TP.HCM.
“Ở đất Sài Gòn đắt đỏ này phải 15-20 triệu mới đủ trang trải cuộc sống vất vả, nặng nhọc của bản thân và gia đình”, anh Sơn nói và cho biết thêm, đây là lý do nhiều đồng nghiệp của anh đã rời bỏ công ty.
Cũng nằm trong vòng xoáy “mất” 97 lao động trong năm 2017, theo ông Trần Hữu Chiến, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng, để giải quyết bài toán thiếu hụt lao động chất lượng cao, cần đẩy mạnh công tác đào tạo lao động tại chỗ; điều chuyển, sắp xếp lại lao động giữa các bộ phận để tăng năng suất lao động. Đồng thời, có cơ chế điều chỉnh tăng lương cho những vị trí công việc quan trọng, áp dụng chế độ phụ cấp đối với thợ giỏi… để duy trì lực lượng lao động cơ hữu, ổn định, bảo đảm yêu cầu sản xuất. |
Thẳng thắn nhìn nhận đây là thực tế của nhiều đơn vị đóng tàu hiện nay thời “hậu Vinashin”, ông Cao Tuấn Dũng, Phó tổng giám đốc Saigon Shipmarin cho biết, sau tái cơ cấu về lao động, đến thời điểm hiện nay, công ty có trên 360 người, trong đó lao động trực tiếp và phục vụ 324 người, chiếm 89% tổng số lao động; không có lao động thiếu việc làm. Thu nhập bình quân quý I/2018 đạt 8,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, công tác tuyển dụng lao động trực tiếp sản xuất rất khó khăn do cạnh tranh nhân công gay gắt trên thị trường; Nhất là những thời điểm đơn đặt hàng đóng tàu lớn, để tuyển được công nhân tay nghề cao rất khó. Mặt khác, nguồn đào tạo hạn chế, điều kiện bố trí sinh hoạt không có nên chưa thu hút được lực lượng lao động có tay nghề.
Ở khu vực phía Bắc, Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm được đánh giá là đơn vị duy trì được sự ổn định nhất ngay cả trong thời kỳ suy thoái của Vinashin cũng như tái cơ cấu SBIC hiện nay, cũng không tránh khỏi thực trạng “chảy máu” lao động tay nghề cao. Phó tổng giám đốc Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm Lê Văn Hải cho biết, 6 tháng cuối năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, khi việc làm khó khăn, thu nhập không ổn định, công ty cũng “mất” hơn 100 lao động bỏ việc, hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.
“Những người đã bỏ đi làm chỗ khác, khi công ty nhiều việc, có mời họ về làm họ cũng không về”, ông Hải nói.
Cố gắng trả đủ lương, ổn định để giữ chân lao động
Theo ông Hải, người thợ đóng tàu thường rất yêu nghề, nếu có việc làm ổn định, thu nhập đảm bảo, chắc chắn họ sẽ gắn bó với nghề, với doanh nghiệp. Vì vậy, quan trọng nhất vẫn phải là lo đủ việc làm, trả lương kịp thời. Bên cạnh đó, các đơn vị phải thực hiện đúng, đủ các chế độ chính sách cho người lao động như: Không nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, không nợ lương; Chú trọng các chế độ đãi ngộ khác như tổ chức bữa ăn giữa ca, thưởng vượt năng suất xứng đáng.
Đồng quan điểm, ông Trần Tấn Châm, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn (SSIC) cho biết, đặc thù tại các đơn vị đóng tàu khu vực TP Hồ Chí Minh lao động trực tiếp chủ yếu là người từ các khu vực miền Bắc, miền Trung. Vì vậy, đối với họ thu nhập ổn định rất quan trọng, để chi trả tiền thuê nhà, chi tiêu cuộc sống. Trong khi đó, đây là thợ được đào tạo có tay nghề cao.
“Lực lượng lao động này rất dễ bị thu hút, cạnh tranh từ các doanh nghiệp khác, nhất là doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài”, ông Châm nói.
Tính đến 31/3/2018, SSIC có 351 lao động. Trong đó, lao động trực tiếp là 187 người, lao động phụ trợ, phục vụ là 101 người. Giảm so với thời điểm ngày 1/1/2018 là 19 lao động, trong đó 17 người là lao động trực tiếp. Trong khi đó, kế hoạch năm 2018 đơn vị phải tuyển dụng thêm lao động để đạt tổng số lao động 400 người, đảm bảo nhân lực đáp ứng nhu cầu duy trì lực lượng ổn định, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu sản xuất khi việc làm tăng cao.
Theo ông Châm, để giữ chân lao động, thu hút lao động, bên cạnh tuyển dụng mới, SSIC đặc biệt coi trọng chính sách tiền lương. Chậm 2-3 tháng tiền lương là lao động bỏ việc ngay. Vì vậy, công ty thanh toán lương cho người lao động đầy đủ, kịp thời, không nợ lương. Năm 2017, công ty cải tiến, sửa đổi, hoàn thiện các quy chế, quy định về tiền lương và ban hành, công nhận được hưởng các chế độ đãi ngộ cho người lao động. Công ty thanh toán lương cho người lao động 2 kỳ/tháng, thu nhập bình quân của CBCNV hơn 9,2 triệu đồng/người/tháng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận