Hiện, công tác GPMB 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đã đạt khối lượng hơn 91%.
Muôn kiểu vướng mắc
Hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sử dụng nguồn vốn đầu tư công, dự kiến khởi công những gói thầu đầu tiên vào cuối tháng 9/2020 là Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây đang được Ban QLDA Thăng Long quyết liệt phối hợp với chính quyền địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để có công địa thi công khi dự án lựa chọn xong các nhà thầu.
Ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kinh tế kế hoạch (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, tại dự án cao tốc Mai Sơn - QL45, tổng diện tích phải đền bù GPMB của toàn dự án là 535,9ha. Đến nay, chính quyền địa phương hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa đã đền bù, bàn giao cho dự án được 493,8ha (đạt 92,2%).
Tuy nhiên, tại Ninh Bình, còn một số hộ dân ở TP Tam Điệp chưa được chi trả tiền đền bù đất nông nghiệp do TP Tam Điệp phải tổ chức triển khai phân loại đối tượng được hỗ trợ và không được hỗ trợ theo chính sách chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm của tỉnh để lập phương án đền bù.
Tại tỉnh Thanh Hóa, hiện còn một số hộ dân chưa nhận tiền đền bù đất ở do còn ý kiến thắc mắc về đơn giá đền bù. Ban QLDA Thăng Long đang cùng các hội đồng GPMB tích cực vận động để đẩy nhanh công tác chi trả đền bù cho các hộ dân.
Tại dự án Phan Thiết - Dầu Giây, tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai đã thu hồi và bàn giao cho dự án 680/761ha, tương đương 87,6/99km, đạt 88,5%. Theo Ban QLDA Thăng Long, khó khăn của dự án hiện nay là toàn bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, viễn thông) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chưa được di dời.
Còn tại Đồng Nai, nguồn vốn cấp cho huyện Xuân Lộc chưa đủ so với yêu cầu, trước mắt, cần bố trí 251 tỷ đồng để chi trả cho các hộ dân. “Hiện nay, Bộ KH&ĐT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh vốn trung hạn, dự kiến trong tháng 9/2020 sẽ có văn bản bổ sung vốn cho dự án”, đại diện Ban QLDA Thăng Long thông tin.
Nằm trọn trên địa phận tỉnh Thanh Hóa, đến nay, dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn (thực hiện theo hình thức PPP, dự kiến khởi công đầu năm 2021) chính quyền các địa phương đã bàn giao được 39,4/43km mặt bằng trên tuyến chính, đạt khoảng 92%.
Ông Bùi Văn Rạng - Phó giám đốc Ban QLDA 2 cho biết, đoạn qua huyện Nông Cống, địa phương đã chi trả tiền đền bù cho 518/550 hộ dân, 32 hộ chưa chi trả do phải xác định lại nguồn gốc đất đai.
Còn lại đoạn tuyến qua thị xã Nghi Sơn, chính quyền địa phương đã phê duyệt phương án thu hồi đất của 299/331 hộ dân. 32 hộ dân còn lại chưa phê duyệt được phương án đền bù đất thuộc xã Tân Trường. Đây là các trường hợp có lịch sử nguồn gốc đất đai phức tạp nên cần phải rà soát, dự kiến phê duyệt trước ngày 15/9/2020.
Theo thông tin của Báo Giao thông, công tác đền bù GPMB tại 3 dự án cao tốc Bắc - Nam đã khởi công từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2) đến nay cũng chưa thể hoàn thành do còn gặp nhiều khó khăn.
Điển hình tại dự án cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, đến nay vẫn còn vướng mắc khoảng 150m trên tuyến chính; dự án cầu Mỹ Thuận 2 còn 15 hộ dân thuộc địa bàn tỉnh Vĩnh Long chưa nhận tiền đền bù…
Đẩy nhanh xây dựng khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật
Đại diện Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT - Bộ GTVT) cho biết, đến nay 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đã GPMB được 594,4/652,77km (đạt 91,1%). Tuy nhiên, đối với khối lượng còn lại, nếu các địa phương không tập trung quyết liệt thực hiện sẽ không thể cơ bản hoàn thành công tác GPMB trong quý III/2020.
Theo Cục QLXD&CLCTGT, khó khăn lớn nhất trong GPMB các dự án hiện nay là công tác xây dựng khu tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi mặt bằng dự án còn chậm.
Cụ thể, tiến độ xây dựng các khu tái định cư đến nay mới đạt khoảng 44%, trong đó nhiều địa phương triển khai chậm như: Nam Định (có 1 khu TĐC, chưa hoàn thành); Ninh Bình (hoàn thành 1/5 khu); Nghệ An (có 28 khu TĐC, chưa hoàn thành); Hà Tĩnh (có 2 khu TĐC, chưa hoàn thành); Khánh Hòa (có 7 khu TĐC, chưa hoàn thành)…
Tương tự, công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện mới đạt khoảng 9% khối lượng và không thể hoàn thành trong quý III/2020.
Thống kê cho thấy, hàng loạt địa phương hoàn thành di dời hạ tầng kỹ thuật đạt dưới 50% khối lượng gồm: Ninh Thuận (đã di dời 27,6% đường điện và 33,3% đường nước); Ninh Bình (đã di dời 14,3% đường điện, chưa di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật khác).
Đặc biệt, các địa phương gồm: Nam Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai và Vĩnh Long chưa có khối lượng hoàn thành về công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật.
Để đẩy nhanh tiến độ, Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND 13 địa phương nơi có dự án đề nghị đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác GPMB các dự án cao tốc Bắc - Nam.
Theo đó, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, hội đồng GPMB của địa phương xây dựng tiến độ chi tiết để thực hiện hoàn thành khối lượng GPMB còn lại (khoảng 10%), đảm bảo bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công các dự án trong tháng 9/2020.
“Các địa phương cũng cần khẩn trương hoàn thành việc xây dựng các khu tái định cư; phối hợp chặt chẽ với các chủ sở hữu, quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật để thống nhất phương án đền bù, triển khai di dời các công trình, cơ bản bàn giao mặt bằng cho dự án trong tháng 9/2020 và chủ động xử lý các vướng mắc kiến nghị liên quan đến công tác GPMB thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Trường hợp vượt quá thẩm quyền kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo xử lý, đảm bảo tiến độ thực hiện, tuân thủ quy định hiện hành”, văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.
11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam dài 654km, đi qua 13 tỉnh gồm: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long. Kinh phí đền bù GPMB của dự án khoảng 12.401 tỷ đồng, diện tích thu hồi khoảng 4.835ha, số hộ tái định cư khoảng 3.690 hộ dân và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi GPMB.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận