Một phụ huynh tranh thủ cho con ăn bữa chiều trước giờ học thêm |
Bồi dưỡng, nâng cao hay học trước?
Vừa buông cặp xuống sau cả ngày học ở trường, bé Ngọc K. (học sinh lớp 5, trường Tiểu học Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội) tranh thủ uống hộp sữa, đổi chiếc cặp khác để mẹ chở đến lớp học thêm tại nhà cô giáo chủ nhiệm. Mỗi tuần, bé Ngọc K. có hai buổi tối học thêm ở nhà cô, hai buổi tối ở Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Học mãi, một buổi học tiếng Anh Apollo.
Mẹ bé Ngọc K. than, chưa tính chi phí học thêm các nơi khoảng 3 triệu đồng/tháng, riêng thời gian đưa đón con đi học khiến cả nhà chị “toát mồ hôi”. “Nhìn con học mệt nhoài, thương lắm, nhưng năm nay cuối cấp rồi, thấy con nhà ai cũng học kín tuần, không ép con mình thì sợ con không theo kịp chúng bạn”, mẹ bé K. phân bua.
"Với học sinh tiểu học nếu đã học hai buổi/ngày, không nên học thêm nữa. Cần cân đối thời gian giữa việc học và nghỉ ngơi để tránh tạo áp lực đối với trẻ. Cần thiết phải rà soát, chỉnh sửa và xóa bỏ các hình thức giảng dạy này, nên để trẻ học, tiếp thu đúng chương trình là đủ”. Ông Trịnh Ngọc Thạch Phó chủ nhiệm Ủy ban giáo dục Thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội |
Mẹ bé Khánh M. (học sinh lớp 4, trường Tiểu học Nam Thành Công, Đống Đa) thì cho biết, đầu năm học, cô giáo chủ nhiệm thông báo mở lớp “bồi dưỡng, nâng cao chỉ dành cho các học sinh khá trong lớp”, chị rất phấn khởi.
Bởi, chị vẫn được nghe các phụ huynh có con lớn hơn cho hay, chương trình lớp 4 là “nặng” nhất trong chương trình giáo dục tiểu học, không học thêm thì rất dễ “đuối”.
“Nhiều bài toán cô giáo cho con, cả nhà tôi xúm vào giải mới được, mà hôm sau đến lớp về con vẫn bảo bố mẹ chưa giải đúng. Con nói, ở lớp cô chỉ giảng những bài toán thường, còn toán khó thì đến giờ học thêm cô mới giảng. Thế này mà không học thêm thì làm sao lên được lớp?”, mẹ bé Khánh M. nói.
Còn phụ huynh của một học sinh đang học lớp 3 trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình) thì lại lo lắng khi thấy bài tập lớp học thêm của con “chạy” trước khá nhiều chương trình chính khóa. “Từ hè, tham gia lớp học thêm của cô giáo, cháu đã được học hết bảng cửu chương, học hết cách chia cột không dư và có dư. Đến lúc vào năm học, tôi lại thấy cháu túc tắc học lại bảng cửu chương. Đi học về, cháu toàn bảo: “Bài tập này dễ ợt, con biết trước ở lớp học thêm rồi”. Tôi lo cháu sinh tính chủ quan, mất hứng thú ở giờ học chính khóa”, phụ huynh này cho hay.
Cần giảm tải chương trình
Hầu hết phụ huynh khi được hỏi đều khẳng định, họ tự nguyện cho con đi học thêm vì lo con không theo kịp chương trình, theo kịp các bạn, chứ các giáo viên không ép buộc. Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Trịnh Ngọc Thạch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban giáo dục Thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội cho biết, một nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng dạy thêm vẫn tồn tại, trước hết do “lỗi” từ chương trình giáo dục hiện vẫn nặng về khối lượng và cao về trình độ. Do vậy, nhiều phụ huynh có nhu cầu học thêm thực sự để giúp con em họ theo kịp kiến thức, chương trình.
Theo ông Thạch, cũng có tình trạng, một số giáo viên đang tạo sức ép cho học sinh với các kỳ vọng dạy Văn để trẻ thành nhà phê bình văn học hay dạy Toán để biến trẻ thành nhà toán học, đưa ra những bài toán đánh đố mà rất hiếm học sinh giải được. Và khi đó, học sinh sẽ tìm đến các lớp học thêm với hy vọng được bổ sung kiến thức để giải được những bài toán hóc búa kia.
Cùng quan điểm, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, việc thay đổi chương trình-sách giáo khoa, tinh giản nội dung kiến thức, bớt quá tải cho thầy và trò mới có thể chấm dứt dạy thêm, học thêm tràn lan. Ngoài ra, cũng cần đảm bảo thu nhập cho giáo viên, có vậy mới giải quyết được tình trạng dạy thêm tràn lan như hiện nay. “Và một thực tế, việc dạy thêm, học thêm không chỉ xuất phát từ phía người dạy mà còn từ chính phụ huynh học sinh, do đó, mỗi phụ huynh cần có chính kiến của mình khi quyết định có nên cho con tới các lớp học thêm”, GS. Thuyết khuyến cáo.
Vũ Anh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận