Góc nhìn

Chê đắt, ông Trump gây sốc khi hủy sắm chuyên cơ riêng

08/12/2016, 07:13
image

Tổng thống đắc cử Donald Trump vừa gây sốc thế giới khi đòi hủy kế hoạch sắm chuyên cơ tổng thống.

chuyen co

Chuyên cơ Không lực Một không chỉ là máy bay mà còn là biểu tượng và niềm kiêu hãnh của Mỹ.

Tổng thống đắc cử Donald Trump vừa gây sốc thế giới khi đòi hủy kế hoạch sắm chuyên cơ tổng thống (hay còn gọi là Không lực Một) mới vì giá quá “chát” - 4 tỷ USD. Con số mà ông Trump đưa ra so với con số mà Boeing và Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra chênh lệch đến hơn 1 tỷ USD. Vậy thực hư con số 4 tỷ USD đó ra sao?

Chênh lệch giá hơn 1 tỷ USD

Không lực Một (Air Force One) vốn được coi là biểu tượng và niềm tự hào của nước Mỹ. Dàn chuyên cơ Không lực Một hiện nay đã già nua nên Chính phủ Mỹ đặt hàng hai chiếc Boeing 747 mới, dự kiến sải cánh vào năm 2022. Bất ngờ, ngày 6/12, ông Donald Trump tuyên bố trên tài khoản Twitter: “Giá Boeing đưa ra vượt tầm kiểm soát, hơn 4 tỉ USD. Hủy đơn đặt hàng đi!”. Trao đổi với CNN, ông Trump khẳng định, đó không phải lời nói vô căn cứ. “Đúng, kế hoạch chế tạo chuyên cơ Không lực mới vượt ngoài tầm kiểm soát. Dự án này sẽ vượt quá 4 tỉ USD, tôi nghĩ giá quá vô lý. Có thể, Boeing đã động chạm một chút vào con số này. Chúng tôi muốn Boeing kiếm nhiều tiền nhưng không phải đến mức đó”, ông Trump nói.

Song, ông Trump không lý giải vì sao chi phí của hai chiếc Air Force One lại đội lên tới hơn 4 tỉ USD. Trong khi hiện nay, Không quân Mỹ thuộc Bộ Quốc phòng (Lầu Năm Góc) mới đề xuất ngân sách 2,9 tỉ USD cho tới năm 2021 để sắm hai chiếc Air Force One mới. Một nguồn tin thân cận của Boeing cho CNN biết, công ty này chưa ước tính giá trị dự án vì Bộ Quốc phòng Mỹ chưa quyết định toàn bộ thiết kế của chiếc Air Force One mới. Thậm chí, Lầu Năm Góc còn chưa quyết định họ sẽ đặt hàng hai hay ba chiếc Air Force One. Không quân Mỹ và Boeing mới ký hợp đồng trị giá 170 triệu USD để hai bên nghiên cứu và quyết định sản xuất chiếc chuyên cơ phức tạp này. Hiện nay, Không quân đã chi khoảng 93 triệu USD (nằm trong hợp đồng trên) để chuẩn bị chế tạo máy bay; Còn việc sản xuất máy bay chưa bắt đầu. “Chúng tôi không biết ông Trump lấy đâu ra con số ấy”, quan chức Boeing đặt nghi vấn.

Về phía Nhà Trắng, người phát ngôn Josh Earnest khẳng định: “Con số ông Trump đưa ra có lẽ không phản ánh đúng bản chất thỏa thuận tài chính giữa Boeing và Bộ Quốc phòng”.

Tuy nhiên, Phó tổng thống đắc cử Mike Pence cho rằng, ước tính 4 tỉ USD mà ông Trump đưa ra hoàn toàn dựa trên các thông tin ông nhận được gần đây. Qua đánh giá, ông Trump nhận thấy, giá trị hợp đồng sẽ không dừng lại ở 2,8 tỉ mà còn đội lên cao hơn. Ông Pence khẳng định, Tổng thống đắc cử Trump vốn là doanh nhân nên ông “rất biết cách mặc cả”. Ông Trump “vật lộn” trên thương trường từ rất sớm, trải qua cảnh bi đát đến mức phải tuyên bố phá sản 6 lần, từng nợ tới 5 tỷ USD nhưng vẫn “lật ngược tình thế” và trở thành tỷ phú lừng danh như hiện nay.

Bí ẩn con số 4 tỷ USD

Tìm hiểu về con số chênh lệch trên, truyền thông Mỹ và không ít chuyên gia đều nhận thấy không phải vô lý mà ông Trump đưa ra con số 4 tỷ USD. Theo ABC News con số 2,8 tỷ USD cho cặp chuyên cơ Air Force One mà Không quân Mỹ đề xuất chỉ là nghiên cứu và chế tạo, chứ chưa phải là tổng chi phí. Tờ báo dự đoán, con số 4 tỷ USD mà ông Trump đưa ra có thể bao gồm cả tiền vận hành và bảo trì.

Jason Miller, người phát ngôn của ông Donald Trump cho rằng: Nhận định vừa rồi của Tổng thống đắc cử thể hiện ý định sẽ cắt giảm chi tiêu Chính phủ. Bởi, người dân vốn rất bức xúc với những dự án có “giá trên trời” của Chính phủ hiện nay. Khi được hỏi, liệu con số 4 tỷ USD có chính xác, ông Miller chỉ trả lời: “Đó là con số rất lớn”. Theo ông Miller, tới ngày nhậm chức, Tổng thống đắc cử mới công bố chi tiết đề xuất về dự án tỉ USD này.

Còn tờ Wired dẫn lời ông Mark Cancian, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược Mỹ, người từng giám sát các hoạt động thanh khoản của Bộ Quốc phòng tại Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng nhận định: “Con số 4 tỉ USD không phải không có lý. Với những đòi hỏi khác thường và cầu kỳ của Lầu Năm Góc thì mức giá trên hoàn toàn có lý cho hai chiếc chuyên cơ Air Force One”. Không quân Mỹ yêu cầu chiếc Boeing 747 được cải biến để phục vụ Tổng thống, các nhân viên và khách mời sao cho an toàn và đáng tin cậy; Đồng thời, phải đảm bảo khả năng liên lạc và an ninh tương đương Nhà Trắng.

Trong bối cảnh vật giá thay đổi từng ngày, tính đến năm 2022, chi phí hoàn thiện chiếc Air Force One phức tạp chắc chắn sẽ phát sinh, thêm phụ lục và đội giá so với ước tính ban đầu. Trong khi đó, tờ Washington Post dẫn lời Boeing khẳng định, hãng này không “lấy lãi làm đầu” trong dự án này. Điều họ cần hơn cả là danh tiếng.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.