Tỷ lệ trẻ béo phì ở Việt Nam đang tăng nhanh |
Hỏi: Hiện cháu nhà tôi đang có biểu hiện béo phì, mong bác sĩ tư vấn thực đơn cho trẻ béo phì. Trẻ có nên hạn chế tuyệt đối tinh bột không?
Trần Phương Dung (Cầu Giấy, Hà Nội)
Trả lời: Đối với trẻ thừa cân béo phì, phải kiểm soát năng lượng ăn vào. Theo nhu cầu năng lượng khuyến nghị của Bộ Y tế năm 2016, chất dinh dưỡng cho trẻ vẫn phải đảm bảo đủ như chất đạm để tạo cơ săn chắc, chất béo: Acid béo omega-3, omega-6… để phát triển trí não, phát triển hệ thần kinh của trẻ.
Do vậy, bữa ăn của trẻ béo phì vẫn cần đảm bảo chất bột đường. Trẻ cần phải có đủ cơm, bởi chất nuôi não chính là glucose, được chuyển hóa từ carbonhydrate trong cơm. Tuy nhiên, nên chọn chất bột đường chuyển hóa từ từ, ví dụ có thể cho bé ăn gạo lứt nảy mầm chỉ số đường huyết thấp. Và tránh chất bột đường hấp thu nhanh như bánh kẹo, nước ngọt, đồ ăn nhanh có chỉ số đường huyết trên 70. Bên cạnh đó, cần bổ sung các vitamin và khoáng chất trong khẩu phần rau xanh. Tùy thuộc vào độ tuổi, trong một bữa ăn đối với trẻ béo phì, lượng rau phải tăng lên so với tháp dinh dưỡng. Bởi rau nghèo năng lượng nhưng giàu vitamin và chất khoáng, đáp ứng mọi chế độ ăn bình thường. Không nên cắt quá nhỏ, nấu quá nhừ làm trẻ hấp thu nhanh, nên để chuyển hóa từ từ để tạo cảm giác no lâu cho trẻ.
Nên cho trẻ ăn nguyên quả, nguyên múi, như cam nguyên múi, ăn thanh long, táo, ổi,... để có cả chất xơ, giúp trẻ lâu bị đói. Bởi khi đói, trẻ lại ăn ngoài tầm kiểm soát. Đồng thời, không nên cho trẻ tiền ăn vặt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận