Muôn kiểu vi phạm
Nhà chức trách hàng không vừa buộc phải ra quyết định cấm bay 12 tháng với nữ hành khách N.T.T.H. (thường trú tại Mê Linh, Hà Nội) sau khi chị này vi phạm về giấy tờ đi tàu bay, song lại kiên quyết trốn nộp phạt.
Cụ thể, trong khi kiểm tra an ninh cho khách đi chuyến bay BL815 từ Hà Nội đi TP HCM, nhân viên an ninh sân bay Nội Bài phát hiện chị H. dùng thẻ lên tàu bay và giấy xác nhận nhân thân mang tên người khác là N.T.H. Đáng nói, dù đã nhận quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng nhưng chị H. kiên quyết không nộp dù đã nhiều lần được cơ quan chức năng đôn đốc.
“Sau thời hạn cấm bay 12 tháng, nếu muốn đi máy bay, chị H. sẽ tiếp tục phải chịu kiểm tra trực quan bắt buộc thêm 6 tháng nữa”, đại diện Cảng vụ Hàng không miền Bắc thông tin và cho biết, kiểm tra trực quan là việc nhân viên kiểm soát an ninh hàng không trực tiếp sử dụng tay, mắt và các giác quan khác để kiểm tra người, phương tiện, đồ vật nhằm nhận biết và phát hiện vật đáng ngờ, vật phẩm nguy hiểm.
Hai trường hợp vị phạm tương tự cũng vừa xảy ra tại CHK Thọ Xuân liên quan đến 2 nữ hành khách H.L.T. và H.T.L.T. khiến nhà chức trách tại đây phải đề nghị Cục Hàng không VN ra quyết định cấm bay.
Cũng liên quan đến việc vi phạm rồi trốn nộp phạt khiến nhà chức trách buộc phải ra quyết định cấm bay là trường hợp ông Q.X.H. (đi chuyến bay VJ 464 từ Cần Thơ về Hà Nội). Nam hành khách này đã xé áo phao tại ghế ngồi bất chấp trước đó tổ bay đã có những khuyến cáo về việc này.
Một trường hợp khác được ghi nhận gần đây liên quan đến quyết định cấm bay một nam hành khách tên N.T.H (là hành khách đi chuyến bay VJ184 từ TP HCM đi Hà Nội). Trước đó, nam hành khách này ngang nhiên hành hung một nhân viên phục vụ hành khách của Công ty TNHH MTV Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) ngay tại khu vực cửa ra tàu bay.
Được biết, nam hành khách này bị cấm bay đến hết ngày 7/2/2020. Khi kết thúc thời hạn cấm bay, hành khách vẫn phải chấp hành việc kiểm tra trực quan bắt buộc 6 tháng sau đó.
Cách đây không lâu, Báo Giao thông từng thông tin về việc hành khách N.T.T. (thường trú tại Việt Nam, hiện đang ở tại Cộng hòa Séc, là hành khách đi chuyến bay EK395 từ Hà Nội đi Dubai của Hãng hàng không Emirates) bị cấm bay 12 tháng do phát ngôn “có bom” khi được nhân viên làm thủ tục hàng không hỏi “trong hành lý của anh có gì”.
Thống kê của Cục Hàng không VN cho thấy, trong năm 2018, cơ quan này đã phải ra tới 28 quyết định cấm bay. Từ đầu năm đến nay, tình trạng này cũng chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí còn gia tăng khi có thời điểm, tuần nào cũng có một, thậm chí vài quyết định cấm bay được ban hành.
Chế tài đã đủ mạnh?
Việc nhà chức trách hàng không liên tục phải ra các quyết định cấm bay đang khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu các quy định hiện hành đã đủ sức răn đe?
Theo Nghị định 92 của Chính phủ về an ninh hàng không, hình thức cấm bay được áp dụng cho những hành khách vi phạm với 3 mức khác nhau: Cấm bay từ 3-12 tháng; cấm bay từ 12 -24 tháng và cấm bay vĩnh viễn. Trong đó, thời hạn cấm bay từ 3-12 tháng áp dụng với các trường hợp hành khách gây rối; không thực hiện các quyết định xử phạt VPHC; dọa hoặc cố tình tung tin sai về bom mìn; sử dụng giấy tờ giả để đi máy bay; có hành vi vi phạm trật tự công cộng, kỷ luật tại CHK, sân bay, trên máy bay. Thời hạn cấm bay có thời hạn trên 12 - 24 tháng hoặc cấm bay vĩnh viễn áp dụng cho các trường hợp đã bị xử lý nhưng vẫn tái phạm, các trường hợp gây bạo loạn...
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Cục Hàng không VN cho biết, việc các trường hợp vi phạm dẫn đến cấm bay còn nhiều và đa phần những hành khách, người vi phạm đều không nhận thức hết được hậu quả từ hành vi của mình, không biết được các chế tài xử phạt đang “chờ” mình. Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Hàng không VN cho rằng, chế tài hiện tại đã đủ mạnh.
Ông Trần Quang Hiệu, Trưởng ban An ninh - an toàn, TCT Cảng hàng không VN (ACV) cho hay, các trường hợp bị cấm bay đa phần xuất phát từ các loại hành vi vi phạm phổ biến dùng giấy xác nhận nhân thân giả mạo, hút thuốc lá trên máy bay; gây rối tại sân bay, trộm cắp, chiếm đoạt tài sản khu vực hạn chế cảng hàng không, sân bay hoặc trên máy bay…
Khi bị lập biên bản, chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng xử lý, hành khách cảm thấy tiếc tiền, không tự nguyện nộp phạt tại chỗ mà chọn hình thức nộp phạt tại kho bạc. Sau đó, khách chây ỳ không thi hành quyết định xử phạt VPHC của cơ quan có thẩm quyền, buộc Cục Hàng không Việt Nam phải ra quyết định cấm bay đối với hành khách để phòng ngừa, ngăn chặn mối nguy hiểm có thể tái diễn đối với hoạt động hàng không.
Riêng các trường hợp hành khách sử dụng giấy tờ giả mạo để đi máy bay dẫn đến bị cấm bay, theo tìm hiểu của Báo Giao thông chủ yếu do “tham rẻ”. Cụ thể, hành khách mua vé giá rẻ song bận việc nên để người nhà đi thay hoặc do các đại lý vé máy bay đã mua nhiều vé khuyến mại nên bán lại cho hành khách có nhu cầu nhưng thiếu hiểu biết. Đáng lo ngại là phần lớn các trường hợp giả mạo giấy tờ đều không lường trước hậu quả làm tăng nguy cơ mất an ninh hàng không.
Đáng lưu ý, chưa từng có trường hợp cấm bay nào lại tái phạm. Thậm chí, cả các trường hợp bị xử phạt VPHC cũng vậy. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không phải do chế tài chưa đủ mạnh mà nhờn luật. Thực tế, không ít trường hợp chây ỳ nộp phạt đã tá hỏa xin được nộp sau khi biết mình bị cấm bay. Rõ ràng, nếu biết trước hình thức xử phạt nặng như vậy, hành khách này đã không dám vi phạm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận