Anh Lưu Quốc Chính (quận Hà Đông) làm thủ tục sang tên đổi chủ chiếc xe máy dream II anh mua lại của một người khác, đăng ký lần đầu năm 1996. (Trong ảnh: Cán bộ Đội CSGT, trật tự, cơ động, CA quận Hà Đông kiểm tra số khung, số máy chiếc xe của anh Chính). Ảnh: K.Linh |
Thời gian gần đây, số lượng người dân đến làm thủ tục sang tên đổi chủ xe máy trên địa bàn Hà Nội tăng đột biến. Khi được giải thích, nhiều người mới vỡ lẽ CSGT chỉ xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ chứ không xử phạt người điều khiển xe trên đường.
Xếp hàng làm thủ tục
8h sáng 29/11, PV Báo Giao thông có mặt tại điểm đăng ký xe thuộc Công an quận Hà Đông trên phố Ngô Thì Nhậm. Lúc này, người dân đã đến đông nghịt, chen chân xếp hàng làm thủ tục sang tên xe máy. Ông Giang Văn Sáng (67 tuổi, phường Mỗ Lao) chia sẻ: “Tôi mua lại chiếc Honda 82 BKS 29F8-5779 từ năm 2008 nhưng chưa sang tên. Tôi đã đi làm tờ khai, nộp phí trước bạ 60.000 đồng tại cơ quan thuế vì họ định giá chiếc xe là 6 triệu đồng. Tôi đến đây từ 7h sáng, chờ đến lượt giải quyết”.
Ông Sáng cho hay, khi mới nghe tin CSGT sẽ xử phạt xe không chính chủ, ông khá lo lắng. Tuy nhiên, sau khi được các cán bộ đăng ký giải thích, ông đã hiểu rõ hơn là CSGT chỉ xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ chứ không xử phạt đối với người điều khiển.
Ông Nguyễn Xuân Kiên (49 tuổi, phường Hà Cầu) mua chiếc xe máy Honda Future BKS 29L9-1433 đã vài năm. Tuy nhiên, ông vẫn chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ, do chiếc xe mua bán qua nhiều chủ nhưng không tìm thấy chủ đầu đứng tên trong giấy đăng ký xe. “Ban đầu tôi nghĩ thủ tục rườm rà, mất thời gian nên cũng ngại, nhưng đến đây mới thấy đơn giản, nhanh gọn”, ông Kiên cho biết.
Tại điểm đăng ký xe của Công an quận Bắc Từ Liêm, PV ghi nhận đông người đến làm thủ tục sang tên đổi chủ. Ông Trương Như Lập (40 tuổi, ở tổ dân phố 18, phường Phú Diễn) mua xe máy BKS 29X1-313.20 của một người ở huyện Chương Mỹ đã hơn một năm. Người này cũng mua lại của một người khác, đến nay không tìm thấy chủ đầu. “Tôi đọc báo thấy nói không sang tên đổi chủ sẽ bị phạt nên đi làm thủ tục cho yên tâm. Khi cán bộ đăng ký giải thích, tôi thấy việc này chỉ có lợi cho mình chứ chẳng phiền hà gì”, ông Lập nói.
Thiếu tá Phạm Thị Thu Lan, Đội phó Đội CSGT, trật tự, cơ động, Công an quận Hà Đông cho biết, riêng trong ngày 29/11, Công an quận tiếp nhận 190 hồ sơ xin sang tên đổi chủ cho xe máy, điều hiếm khi xảy ra so với trước đây. Trong tháng 9, Công an quận đã tiếp nhận và làm thủ tục 2.050 trường hợp xe máy của người dân mua bán qua nhiều chủ không tìm thấy chủ đầu.
Tại quận Bắc Từ Liêm, Trung tá Dương Ngọc Vượng, Tổ trưởng Tổ đăng ký xe cho biết, bình quân tiếp nhận khoảng 30 hồ sơ mỗi ngày. “Trước đó, có nhiều ngày không ai đến làm thủ tục sang tên đổi chủ nhưng trong vòng một tuần trở lại đây, có những ngày đơn vị tiếp nhận khoảng gần 40 hồ sơ xe sang tên qua nhiều chủ. Chỉ tính từ ngày 21-25/11, đơn vị đã làm thủ tục sang tên 131 xe máy của công dân trên địa bàn”, Trung tá Vượng cho biết.
Tại quận Nam Từ Liêm, Đại úy Hoàng Ngọc Hà, Đội phó Đội CSGT, trật tự, cơ động cũng thông tin, thường ngày, người dân vẫn đến làm thủ tục sang tên đổi chủ nhưng rải rác. Tuy nhiên, gần đây số lượng hồ sơ đăng ký sang tên xe máy tăng lên nhiều hơn so với trước đây.
Thủ tục đơn giản
Về quy trình để sang tên đổi chủ cho một chiếc xe máy mua bán qua nhiều chủ nhưng không rõ người chủ đầu tiên hoặc đã mất hết toàn bộ giấy tờ, Thượng tá Võ Hồng Quang, Phó trưởng Công an quận Hà Đông cho biết, thủ tục hành chính rất đơn giản. Người dân chỉ cần đến các tổ đăng ký xin tờ khai, sau đó kê khai theo mẫu, về công an phường nơi mình cư trú xin xác nhận vào biểu mẫu. Công an phường sẽ xác nhận người đó có cư trú tại địa chỉ khai theo mẫu hay không và người đó đang sử dụng chiếc xe máy xin sang tên đổi chủ. Tất cả các công việc còn lại là của cơ quan công an.
Trung tá Đỗ Đức Khang, Đội trưởng Đội CSGT, trật tự, cơ động (Công an quận Bắc Từ Liêm) cho biết, khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan công an sẽ thông báo rộng rãi để người chủ đầu tiên của chiếc xe biết chiếc xe sẽ được sang tên cho người đi đăng ký. Nếu có vướng mắc hay phản hồi gì, cơ quan công an sẽ nhanh chóng giải quyết. Việc tiếp theo là tra cứu dữ liệu xem chiếc xe có phải là xe tang vật vụ án hay không. Nếu không có vấn đề gì, sau 30 ngày, chủ phương tiện sẽ được cảnh sát liên hệ đến bấm biển số xe và nhận đăng ký xe. Nếu là xe 4 số, khi bấm biển mới, chủ phương tiện sẽ nhận được biển 5 số.
Về mức phí cấp biển số mới, Thiếu tá Phạm Thị Thu Lan cho biết, đối với xe máy có giá trị đến 15 triệu đồng mức phí là 500.000 đồng; Xe máy có giá trị trên 15 triệu đến dưới 40 triệu là 2 triệu đồng; Xe máy có giá trị trên 40 triệu mức thu lệ phí là 4 triệu đồng. Lệ phí sang tên cũng tùy thuộc từng loại xe, mỗi xe đang làm thủ tục sang tên, cơ quan công an thu 30.000 đồng tiền lệ phí cấp đăng ký mới. Trường hợp nếu xe máy biển 4 số thì cơ quan công an sẽ đổi sang biển 5 số, mức phí là 50.000 đồng. Nếu người dân có đầy đủ giấy tờ, cơ quan công an sẽ trả biển số trong ngày chứ không phải đợi đến 30 ngày như trường hợp mất toàn bộ giấy tờ.
Bắt đầu từ ngày 1/1/2017, theo Điều 30, Nghị định 46, CSGT sẽ phạt từ 100.000 - 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 - 400.000 đồng với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự không làm thủ tục đăng ký sang tên đổi chủ. Việc này áp dụng cả với diện “được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản”. Bộ Công an khẳng định, CSGT làm nhiệm vụ trên đường không được dừng xe chỉ để kiểm tra lỗi không sang tên đổi chủ. |
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận