Status cùng tấm hình người dân xếp hàng chờ lấy số thứ tự làm căn cước gắn chíp (Ảnh chụp màn hình)
Trong bữa cơm tối, ông ngoại cu Hiếu nhà tôi dặn cả nhà đi lấy số thứ tự để “mồng 8 này công an sẽ về khối mình làm căn cước công dân gắn chíp”.
Nghe vậy, vợ tôi trả lời: “Con không lên, dịch thế này, Chính phủ khuyến cáo cấm tụ tập đông người, mình lên tập trung làm gì. Con chưa cần gấp nên chưa cần thiết phải làm sớm, hôm sau con lên Công an thành phố làm cũng chưa muộn”.
Tôi nhanh chóng quên câu chuyện đó sau khi kết thúc bữa cơm tối. Cho đến chiều qua, khi ngồi lướt Facebook, nhìn hình ảnh và đọc các status trên một nhóm của địa phương, tôi mới giật mình.
Status viết khá dài, tôi xin tóm tắt lại: “Trưa nay lên lấy số thứ tự làm căn cước mà đông quá lại phải quay về. Nhìn cảnh bà con xếp hàng chen chúc như này thật là ái ngại.
Đề nghị bà con giãn ra xa nhau một chút. Căn cước chưa làm trước thì rồi cũng sẽ làm sau. Không ai tranh được của ai cả”.
Kèm theo status là hình ảnh hàng trăm người nối đuôi nhau xếp hàng, người sát người như nêm. Dẫu hầu hết người dân đã đeo khẩu trang nhưng việc tiếp xúc gần như vậy quả thật là đáng ngại. Khẩu hiệu 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế dường như đã bị bỏ qua.
Cũng trong chiều 5/5, khi đi làm về ngang qua địa điểm cấp căn cước công dân tại một phường thuộc TP.Vinh, tôi tận mắt chứng chiến cảnh người dân đội mưa, rồng rắn xếp hàng chờ làm thủ tục, xe máy xếp kín từ sân ra ngoài đường.
Làm căn cước công dân là một chủ trương lớn, mang lại nhiều lợi ích. Mục tiêu mà Bộ Công an đặt ra là sẽ cấp 50 triệu căn cước công dân trước ngày 1/7/2021.
Thời gian qua, lực lượng công an các địa phương đã căng mình làm việc không ngừng nghỉ, bất kể ngày đêm và đến nay, mục tiêu đã đạt được khoảng 68%.
Tuy nhiên, có thể thấy mục tiêu trước đây được đặt ra trong điều kiện dịch bệnh không diễn biến phức tạp như hiện nay.
Từ việc xuất hiện một vài ca nhiễm cộng đồng cuối tháng 4, chỉ sau vài ngày, 26 ca nhiễm mới đã được phát hiện tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Thậm chí, chùm ca nhiễm đã xuất hiện cả ở nơi trọng yếu nhất, đó là bệnh viện.
Trên thực tế, chỉ cần 1 ca nhiễm mới, lực lượng y tế đã phải lấy mẫu xét nghiệm cả nghìn người, đưa đi cách ly hàng chục người liên quan. Chỉ 1 ca nhiễm từng đi mua bán ở chợ, lập tức hàng trăm tiểu thương phải nghỉ bán vô thời hạn. Nhiều tỉnh thành đã cho học sinh nghỉ học, cấm hàng quán, tụ tập đông người, khuyến cáo người dân không ra đường. Đó là những giải pháp rất cần thiết và kịp thời.
Quay lại với câu chuyện làm căn cước công dân gắn chíp ở TP.Vinh, Nghệ An như đã nói ở trên, dù địa phương chỉ mới phát hiện các ca nhiễm trong các khu cách ly sau khi nhập cảnh, song nguy cơ người dân đi qua vùng có dịch, mang theo mầm bệnh về Vinh vẫn rất lớn.
Đặc biệt, "hàng xóm" Hà Tĩnh đã phải họp khẩn cả đêm 5/5 để bàn về phương án phòng chống dịch bệnh lây lan khi có 2 ca bệnh ở huyện Thạch Hà tái dương tính.
Và theo thông tin ban đầu, chiều 28/4, một trong 2 người này đã đi từ sân bay Tân Sân Nhất xuống sân bay Vinh trước khi về nhà.
Tại Đồng Nai, liên quan ca nghi nhiễm Covid-19 từ Đà Nẵng về, lãnh đạo tỉnh cũng đã phải họp khẩn trong đêm 5/5. Trong số 23 người được đi cách ly tập trung, có 6 người là công an, 1 bảo vệ dân phố (những người này đều làm công tác cấp căn cước công dân, đã tiếp xúc gần với trường hợp nghi lây nhiễm).
Cấp 50 triệu căn cước công dân gắn chíp trước ngày 1/7 là cần thiết nhưng không nên mạo hiểm tạo nên ổ dịch mới từ việc phải thực hiện bằng được con số này.
Sau một kỳ nghỉ lễ dài ngày, ngay cả ở các tỉnh chưa có lây nhiễm cộng đồng cũng không phải không có nguy cơ.
Mỗi ngày, chúng ta đều theo dõi sát sao các ca nhiễm mới, và từ đó có thêm rất nhiều ca F1, F2 không ngờ tới.
Trong bối cảnh hiện nay, tốt nhất là tạm dừng, hoãn việc tập trung đông người làm căn cước công dân (tại các tỉnh đã có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng) hoặc có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân và lực lượng công an làm nhiệm vụ.
Ngoài việc tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm 5K khi tới các địa điểm cấp căn cước công dân, có lẽ chúng ta cũng nên có những giải pháp phù hợp khác.
Chẳng hạn như cho phép người dân đăng ký số thứ tự làm căn cước công dân qua ứng dụng Zalo, chia nhỏ số lượng người được thông báo đến làm thủ tục, tránh việc tập trung quá nhiều người, xếp hàng chờ đợi mất thời gian, mất trật tự trong bối cảnh dịch Covid-19 quay trở lại như hiện nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận