Trước phản ánh của báo chí, mạng xã hội về việc hàng trăm người dân chen chúc lễ bái ở phủ Tây Hồ ngày 24/3 (tức mồng 1 tháng 3 âm lịch), ngày 25/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã lên tiếng đề nghị tất cả người dân nên chấp hành nghiêm túc, tránh tụ tập đông người để công tác phòng dịch Covid-19 có hiệu quả.
“Thay mặt cho Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của TP Hà Nội, tôi muốn đưa ra một thông điệp đề nghị tất cả người dân trên địa bàn thành phố cần phải nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Đó là không tụ tập đông người, khuyến cáo mọi người dân ít ra nơi công cộng, hạn chế ra đường nếu không có việc cần thiết...", ông Chung nói.
Theo vị lãnh đạo TP Hà Nội này, hiện trên địa bàn thành phố đã xuất hiện dấu hiệu và những yếu tố có nguy cơ rất cao gây ra ổ dịch Covid-19. "Chính vì vậy, chúng ta chỉ có thể tránh được, hạn chế được mức thấp nhất khi mọi người cùng đồng lòng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng trong lúc này là không nên đi ra đường, càng ở nhà nhiều, càng tốt. Thành phố sẽ ban hành văn bản chính thức trong thời gian ngắn”, ông Chung cho biết và nhấn mạnh: "“Nếu người dân không chấp hành quy định trên thì mọi nỗ lực của Chính phủ, TP Hà Nội cùng các các y bác sĩ sẽ đổ xuống sông, xuống biển”.
Bàn về vấn đề này, PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng đây là hành động xem thường tính mạng, sức khỏe của bản thân mình và cộng đồng, cũng như phớt lờ chỉ đạo của Chính phủ, của TP Hà Nội về phòng chống dịch Covid-19.
“Báo đài từng ngày, từng giờ tuyên truyền không tập trung đông người để phòng chống Covid-19 thế mà hàng trăm người vẫn đến như vậy thì không thể chấp nhận được. Tôi tin rằng đa số những người này đều biết chỉ đạo của cơ quan chức năng là không tập trung đông người nhưng vẫn cố tình đến đó. Hành động có phần ấu trĩ này cần phải lên án mạnh mẽ, thậm chí nếu có chế tài nên xử phạt để có tính răn đe”, PGS.TS Phạm Ngọc Trung nêu quan điểm.
Trao đổi với PV Báo Giao thông về nội dung này, Trưởng ban Tôn giáo Chính Phủ Vũ Chiến Thắng cho biết: “Phủ Tây Hồ là cơ sở di tích lịch sử, tâm linh, tín ngưỡng văn hóa, nên thuộc Bộ Văn hóa quản lý, không phải là cơ sở tôn giáo”.
Trước đó, ngày 20/3, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ban hành công văn đề nghị lãnh đạo Giáo hội, các tổ chức tôn giáo hướng dẫn các tổ chức tôn giáo và các cơ sở thờ tự không tổ chức các hoạt động tập trung đông người; dừng tổ chức các đại hội, hội nghị, lễ hội tôn giáo thường niên; không cử người tham gia các hoạt động tôn giáo ở nước ngoài.
Đồng thời, không đón tiếp các chức sắc đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch cho đến khi dịch được ngăn chặn, đẩy lùi; có cách thức sinh hoạt tôn giáo phù hợp với diễn biến tình hình dịch Covid-19 ở địa phương và các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế; tăng cường các hình thức sinh hoạt tôn giáo, giảng lễ, thuyết pháp trực tuyến qua internet, tránh tập trung đông người.
Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ngày 13/3, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã thông báo tạm dừng hoạt động tại các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, cơ sở kinh doanh bar, karaoke, vũ trường, quán game… đến hết tháng 3/2020.
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài cho biết, tất cả các di tích trên địa bàn quận Tây Hồ đã đóng cửa, tạm dừng đón khách đến hết ngày 31/3. Tuy nhiên, ngày 24/3 (mùng Một tháng Ba âm lịch), một số người dân vẫn đi lễ, bái vọng.
Khi phát hiện sự việc này, chính quyền và lực lượng chức năng địa bàn đã mời khách ra về, không vào lễ, thực hiện đúng tinh thần dừng các hoạt động tụ tập đông người phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận