Tuyệt đối không chữa bệnh dại bằng thuốc Nam |
Mới đây cậu bé Lê Việt H. (5 tuổi, Nam Sơn, Thanh Mai, Thanh Chương, Nghệ An) đã tử vong sau khi điều trị chó dại cắn bằng thuốc nam. Theo lời gia đình, ngày 17/1, cháu H. bị chó cắn khi sáng chơi nhà bà nội. Vì e ngại tiêm vaccine phòng dại sẽ ảnh hưởng đến não, nên theo mách nước của hàng xóm, gia đình bé H. đã đưa bé đến thầy lang ở thị xã Cửa Lò để chữa trị, cháu Hoàng được thầy lang bôi một loại thuốc bột, rồi dùng lá trầu không sát lên lưng, sau đó mua 300.000 đồng thuốc nam về cho con uống. 2 ngày sau, bé Hoàng phát bệnh, được đưa vào viện nhưng đã quá muộn.
Đây không phải là trường hợp duy nhất bệnh nhân mắc virus dại tử vong vì dùng thuốc nam để chữa trị bệnh dại.
Theo khuyến cáo của ông Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. Ông Bắc cũng cho biết, bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm virus dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.
Chính vì vậy, ngay sau khi bị chó cắn, mọi người cần lưu ý rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó, cần tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine; cần hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. “Sau khi sơ cứu, cần đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh Dại”, ông Bắc cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận