Việc thực hiện chưa bám sát các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thiếu công khai thông tin về cơ sở ô nhiễm, chưa đưa chỉ tiêu giảm cơ sở ô nhiễm vào chỉ số phát triển của địa phương,…
Ảnh minh họa |
Đây là một trong những tồn tại vừa được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu ra khi phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan về tình hình thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg và Quyết định 1788/2013/QĐ-TTg xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là chủ trương và quyết tâm lớn của Chính phủ nhằm giải quyết các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, thực hiện nghiêm Luật Bảo vệ môi trường.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, sau hơn 10 năm thực hiện, số lượng lớn các cơ sở ô nhiễm môi trường đã được xử lý triệt để. Trước khi Quyết định 1788 ban hành, đã có 378 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng đã hoàn thành các biện pháp xử lý. TP.HCM đã di dời 1.261/1.402 cơ sở gây ô nhiễm, TP. Hà Nội xây dựng kế hoạch di dời 400 cơ sở.
Tháng 10/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1788 với một nội dung quan trọng là đến cuối 2015 sẽ tập trung xử lý triệt để, dứt điểm 229 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Cho đến thời điểm này, số cơ sở được công nhận hoàn thành xử lý triệt để mới đạt 15-20%, nhiều cơ sở đã quá thời hạn xử lý theo yêu cầu.
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, kết quả triển khai chủ trương xử lý ô nhiễm môi trường thời gian qua còn nhiều hạn chế, việc thực hiện chưa bám sát các nội dung chỉ đạo trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thiếu công khai thông tin về cơ sở ô nhiễm, chưa đưa chỉ tiêu giảm cơ sở ô nhiễm vào chỉ số phát triển của địa phương,…
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, đặc biệt là Ban chỉ đạo liên ngành tăng cường kiểm tra, bám sát cơ sở, hỗ trợ các địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ giải quyết các cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng, bám sát các mục tiêu, yêu cầu giải pháp đã đề ra trong Quyết định 1788 của Thủ tướng Chính phủ.
“Các địa phương tập trung rà soát, thống kê và công bố công khai “danh sách đen” các cơ sở gây ô nhiễm đã chậm giải quyết để có biện pháp xử lý, xử phạt cụ thể theo thời gian chậm trễ, mức độ gây thiệt hại. Đồng thời, các địa phương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các DN gây ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng. Chẳng hạn như trường hợp Nhà máy mía đường Cà Mau và ở Trà Vinh nằm trong nhóm cơ sở gây ô nhiễm phải xử lý trước tháng 7/2014 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh, cần kiên quyết xử lý đối với 2 trường hợp này, theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Bình Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận