Kinh tế

Chi 3,35 triệu USD mỗi năm để xử lý chất thải rắn sinh hoạt

12/12/2024, 20:16

Diễn đàn “Công nhân lao động vì môi trường 2024” không chỉ gắn kết sản xuất với trách nhiệm xã hội của công đoàn mà còn thúc đẩy nhận thức về hành trình phát triển xanh, bền vững.

Hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra mỗi năm

Trong khuôn khổ Diễn đàn công nhân lao động vì môi trường năm 2024 được tổ chức chiều nay 12/12, Ông Nguyễn Duy Thành, Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, ước tính mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra tại Việt Nam.

Theo ông Thành, trong số đó chỉ có 27% được tái chế và theo UNEP thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa thải ra biển. Một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Thanh Hóa, Bình Thuận..., tình trạng rác thải nhựa trở nên nhức nhối.

Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế Việt Nam và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh năm 2019 cho thấy rác thải nhựa chiếm 92,2% số lượng và 64,8% khối lượng trên tổng số rác thải thu gom được trên các bãi biển của Việt Nam.

Chi 3,35 triệu USD mỗi năm để xử lý chất thải rắn sinh hoạt- Ảnh 1.

Trung bình cả nước phải chi khoảng 3,35 triệu USD để thu gom, vận chuyển và xử lý cho toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh.

Tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam cũng đang gia tăng nhanh chóng, tạo những thách thức lớn về quản lý môi trường. Để giảm thiểu rác thải nhựa, cần có sự chung tay của cả xã hội. Nếu không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời, những tác động tiêu cực từ rác thải nhựa sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Thông tin về rác thải sinh hoạt, ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Hiện, mỗi ngày, toàn quốc phát sinh khoảng 67.110 tấn chất chất thải rắn sinh hoạt, thế nhưng khoảng 65% tổng lượng chất thải lại đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp.

Trung bình cả nước phải chi khoảng 3,35 triệu USD để thu gom, vận chuyển và xử lý cho toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh (tương đương khoảng 1.222,75 triệu USD/ năm). Đây là con số không hề nhỏ với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. 

Biến rác thải thành vật dụng

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Trần Văn Hiếu, Phó Giám đốc Công ty Lagom Việt Nam cho biết, chiếc mắc áo đầu tiên trên thế giới được tái chế 100% từ vỏ hộp sữa là câu chuyện mà các cán bộ, người lao động của Công ty Lagom Việt Nam đã viết nên trong nỗ lực bảo vệ môi trường chung.

Mỗi năm, trên thế giới có tới 8 tỉ chiếc móc treo quần áo bằng nhựa thải ra môi trường tương đương với 4 tòa nhà Empire State Mỹ. Lagom Việt Nam đã nảy ra một ý tưởng đột phá, tái chế vỏ hộp sữa thành móc quần áo.

Bắt đầu từ năm 2019, hành trình thu gom vỏ hộp sữa của Lagom được thực hiện tại các trường học. Tại các điểm thu gom, vỏ hộp sữa sẽ được phân loại và chuẩn bị cho quá trình tái chế. Sau 5 năm thực hiện, Lagom đã thu gom gần 1.000 tấn vỏ hộp sữa giấy, với mạng lưới thu gom tại 2.000 trường học và 150 điểm cộng đồng trên khắp đất nước.

Chi 3,35 triệu USD mỗi năm để xử lý chất thải rắn sinh hoạt- Ảnh 2.

Đoàn viên, người lao động chia sẻ tại Diễn đàn.

Trong lĩnh vực xây dựng, bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội cho biết, thực hiện chương trình 1 triệu sáng kiến của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, các đoàn viên của ngành xây dựng Hà Nội đã đóng góp nhiều sáng kiến, sáng tạo. Cùng đó, đề xuất liên quan đến lĩnh vực môi trường, nâng cao hiệu suất công việc trong công tác bảo vệ môi trường.

Trong vòng 10 năm qua, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hà Nội đã đầu tư hàng chục tỉ đồng để nâng cấp và xây dựng lại hệ thống nhà xưởng, hệ thống hút bụi, thông gió, xử lý chất thải, văn phòng làm việc và hệ thống đường nội bộ đẹp đẽ, thoáng mát. Nhờ thực hiện tốt phong trào xanh - sạch - đẹp, an toàn vệ sinh lao động nên sức khỏe của người lao động luôn được bảo đảm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.