Tốc độ là tối quan trọng
Theo AP, việc chuyển giao khẩn cấp vũ khí cho Ukraine là tối cần thiết. Giám đốc CIA Bill Burn từng cảnh báo nếu không sớm nhận được số vũ khí bổ sung từ Mỹ, Ukraine có thể sẽ không cầm cự trước Nga hết năm 2024.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Pat Ryder cho biết: "Chúng tôi rất muốn đẩy nhanh tiến trình hỗ trợ an ninh cho Ukraine với số lượng họ cần để có thể chiến đấu thắng lợi".
Ông Ryder tự tin khẳng định nếu gói cứu trợ trị giá 61 tỷ USD được Hạ viện Mỹ "bật đèn xanh", Mỹ sẽ chuyển đến Ukraine chỉ trong vài ngày.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc lý giải, điều này có được là nhờ Mỹ sở hữu có một mạng lưới hậu cần cực kỳ mạnh mẽ cho phép vận chuyển vũ khí một cách nhanh chóng.
Bên cạnh đó, số vũ khí mà Hạ viện Mỹ vẫn đang cân nhắc thông qua dành cho Ukraine đã được Lầu Năm Góc chuẩn bị từ nhiều tháng qua. Thậm chí, Lầu Năm Góc đã chi hết toàn bộ số tiền 44 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ cấp cho trước đó để mua sắm vũ khí, bảo trì và huấn luyện cho binh sĩ Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2/2022.
Đến tháng 12/2023, Lầu Năm Góc chỉ còn 10 tỷ USD trong ngân sách bởi chi phí thay thế hệ thống vũ khí mà họ chuyển cho Ukraine giờ đã đắt đỏ hơn và những gói cứu trợ dành cho Ukraine vì thế ngày một cạn kiệt bởi không có gì đảm bảo Quốc hội Mỹ sẽ thông qua gói viện trợ bổ sung trong đó có khoản tiền 20 tỷ USD để Lầu Năm Góc lấp đầy kho vũ khí và chi trả những chi phí quân sự cần thiết để đảm bảo an ninh cho nước Mỹ.
Việc chậm trễ trong cung cấp vũ khí cho Ukraine đã khiến binh sĩ nước này phải vật lộn chiến đấu trong hoàn cảnh khó khăn trong suốt vài tháng qua do phải tiết chế tối đa số vũ khí đạn dược ít ỏi mà họ được trang bị.
Tuy nhiên, tình hình hiện không mấy sáng sủa. Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson vốn nỗ lực thúc đẩy việc thông qua gói cứu trợ dành cho Ukraine nhưng đã bị đa số đảng viên trong phe Cộng hòa đe doạ có thể khiến ông mất chức. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định ông sẽ ký dự luật này ngay lập tức nếu được Hạ viện chấp thuận để Lầu Năm Góc có thể thực hiện ngay việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Các cách thức chuyển giao vũ khí cho Ukraine
Khi một gói cứu trợ dành cho Ukraine được công bố, số vũ khí đó có thể sẽ được cung cấp thông qua Quyền rút vốn của Tổng thống (PDA) trong đó cho phép quân đội tận dụng ngay số vũ khí dự trữ để chuyển giao hoặc thông qua gói viện trợ an ninh để chi trả những hợp đồng có thời hạn dài hơn với các nhà thầu quốc phòng.
Khi Tổng thống kích hoạt PDA, quân đội có thể ngay lập tức chuyển cho Ukraine số tên lửa phòng không, xe tăng, xe quân sự và các trang bị khác với trị giá lên đến hàng tỷ USD. "Trong quá khứ, chúng tôi từng chứng kiến việc chuyển giao vũ khí theo chương trình PDA chỉ trong vài ngày", ông Brad Bowman, Giám đốc Quỹ Phòng thủ Dân chủ, cho biết.
Số vũ khí này sẽ được Lầu Năm Góc lấy từ các căn cứ quân sự hoặc kho vũ khí trên khắp nước Mỹ và các đồng minh châu Âu đang dư thừa để cắt giảm tối đa thời gian cần thiết cho việc chuyên chở đến Ukraine ngay khi gói cứu trợ được thông qua.
Từ khi cuộc chiến ở Ukraine có dấu hiệu kéo dài, Mỹ bắt đầu hỗ trợ Ukraine ngày một nhiều hơn các loại vũ khí đắt đỏ ra chiến trường, trong đó có cả hệ thống phòng không, xe thiết giáp, các loại tên lửa tối tân và thậm chí cả siêu tăng Abrams.
Chi phí thay thế những loại vũ khí này cũng cực kỳ đắt đỏ và quân đội Mỹ, đặc biệt là lực lượng lục quân đã rơi vào tình trạng nợ sâu.
Tình hình còn trở nên nghiêm trọng hơn bởi trong nhiều trường hợp quân đội Mỹ buộc phải thay thế những hệ thống vũ khí cũ của Ukraine bằng những loại đắt tiền và hiện đại hơn của Mỹ.
Chính vì thế, các tướng lĩnh lục quân Mỹ gần đây đã kiến nghị Quốc hội Mỹ nếu gói cứu trợ Ukraine không được thông qua, họ sẽ sớm cạn tiền.
Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth và Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ Randy George thậm chí còn cảnh báo Lục quân Mỹ sẽ không có đủ tiền để đưa binh sĩ hoàn thành nhiệm vụ ở châu Âu về nước cũng như tiến hành huấn luyện cho các đơn vị lục quân tại Mỹ.
Theo AP, quân đội Mỹ sở hữu số lượng lớn kho vũ khí trải khắp đất nước với hàng triệu viên đạn đủ loại sẵn sàng cho việc sử dụng nếu chiến tranh xảy ra. Cụ thể, Nhà máy sản xuất đạn dược quân đội McAlester ở Oklahoma khi nhận được lệnh điều động của Tổng thống có thể cung cấp số đạn dược đủ để lấp đầy 435 container, mỗi container chứa khoảng 15 tấn đạn dược ra chiến trường. Đây cũng là kho cung cấp phần lớn đạn pháo 155mm mà quân đội Ukraine hiện đang sử dụng cho các loại pháo tự hành.
Nhu cầu về đạn pháo của Ukraine lớn đến nỗi các kho vũ khí của Mỹ không thể đáp ứng đủ và Mỹ buộc phải tìm kiếm sự hỗ trợ của các đồng minh. Kết quả, hàng nghìn viên đạn 155mm đã được Hàn Quốc chuyển trở lại nhà máy McAlester để chỉnh lại thông số cho phù hợp với các loại pháo mà Ukraine đang sử dụng trên chiến trường.
Bên cạnh kho vũ khí nội địa, Mỹ còn có thể tận dụng số vũ khí đang được tích trữ tại các nhà kho ở châu Âu nếu họ muốn chuyển gần như tức thời vũ khí sang Ukraine sau khi Hạ viện Mỹ thông qua gói cứu trợ trị giá 61 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong số những loại vũ khí có thể chuyển đến cho Ukraine từ các kho vũ khí ở châu Âu có cả đạn pháo 155mm và pháo phòng không. Ngoài ra, với việc những kho vũ khí này rải khắp châu Âu, các đồng minh của Mỹ ở Đức, Ba Lan… có thể dễ dàng hỗ trợ Ukraine trong việc bảo trì hệ thống vũ khí cũng như huấn luyện cho binh sĩ cách thức sử dụng trước khi vũ khí được đưa ra chiến trường.
Cụ thể, Đức đã thiết lập một trung tâm bảo trì xe tăng Leopard 2 ở Ba Lan gần sát biên giới Ukraine. Điều này giúp rút ngắn đáng kể thời gian sửa chữa xe tăng phương Tây bị hỏng hóc trong quá trình chiến đấu và đưa trở lại chiến trường trong thời gian ngắn nhất có thể.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận