Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) đoạn qua KCN Thạch Thất bị ngập sau cơn mưa lớn ngày 17/4. Ảnh: Tạ Hải
Dù đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng làm nhiều dự án thoát nước “khủng”, tuy nhiên Hà Nội vẫn hễ mưa là… ngập. Cùng với việc đô thị hóa nhanh dẫn đến rác thải không được thu gom tốt gây tắc cống, các chuyên gia còn cho rằng, một số dự án thoát nước không phát huy hiệu quả do đầu tư thiếu khoa học khiến tình trạng ngập úng tại Hà Nội vẫn thường trực.
Chưa vào mùa mưa đường đã ngập nặng
Sáng sớm 17/4, trận mưa lớn bất ngờ kéo dài khoảng 2 tiếng khiến tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long ngập nặng. Ghi nhận của PV Báo Giao thông, có đoạn ngập đến 50cm, có nơi đến gần 1m và kéo dài hàng km khiến các phương tiện không thể lưu thông. Nặng nhất là các hầm chui số 3, 5, 6 và nút giao An Khánh, khu vực Quốc Oai.
Lãnh đạo Đội CSGT số 11 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, ngập nặng khiến nhiều phương tiện chết máy, giao thông qua khu vực di chuyển rất khó khăn, Đội phải huy động lực lượng tổ chức phân luồng, cứu hộ.
Không chỉ đường gom Đại lộ Thăng Long, các tuyến phố Bùi Xương Trạch (quận Thanh Xuân), QL6 (đoạn tổ dân phố 1+4 đường Yên Nghĩa, Hà Đông), khu tập thể 18, phường Phú La (Hà Đông), khu vực Tân Triều... cũng có nhiều điểm ngập khoảng 10 - 20 cm.
Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, trong năm 2021, Hà Nội còn 11 khu vực trọng điểm về ngập úng khi có mưa lớn.
Trong đó, tại quận Hoàn Kiếm tồn tại điểm ngập nặng nhất là ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; quận Ba Đình là điểm Cao Bá Quát, đoạn trước cửa Công ty Môi trường đô thị; phố Thụy Khuê, đoạn dốc La Pho; quận Hai Bà Trưng là điểm ngập trên phố Minh Khai, đoạn chân cầu Vĩnh Tuy; quận Đống Đa có điểm ngập trên phố Nguyễn Khuyến; quận Cầu Giấy là điểm ngập trên phố Hoa Bằng…
Hệ thống thoát nước ở Hà Nội chủ yếu là tự chảy?
Hầm chui số 9 qua Đại lộ Thăng Long ngập nặng, thoát nước chậm
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Ngọc Uyên, Phó trưởng phòng Đối ngoại truyền thông, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, đang thực hiện nạo vét hệ thống truyền dẫn cống, mương, kênh, sông… tại các trục tiêu thoát nước chính để khơi dòng chảy.
Đồng thời, Hà Nội cũng tập trung sửa chữa, bảo dưỡng các trạm bơm, đập điều tiết. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành hệ thống thoát nước, cảnh báo điểm ngập úng mỗi khi trời mưa…
“Thành phố cũng tổ chức đóng cọc, căng dây, lắp đặt lan can cảnh báo nguy hiểm dọc bờ mương; vận hành ổn định, đảm bảo chất lượng nước đầu ra đạt tiêu chuẩn 2 trạm xử lý nước thải Kim Liên, Trúc Bạch”, ông Uyên nói.
Cơ quan chức năng phải tính lưu vực hứng nước chảy vào Đại lộ Thăng Long là bao nhiêu, dựa trên bản đồ địa hình vẽ ra đường đồng mức để tìm được diện tích hứng nước. Nếu diện tích lớn quá, buộc khu vực Đại lộ Thăng Long phải làm bể ngầm chứa nước bơm đi.
GS. Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, để phục vụ mục tiêu thoát nước, từ năm 2005 đến nay, UBND TP Hà Nội đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng cho các dự án thoát nước. Trong đó, lớn nhất là 3 dự án đã và đang triển khai với tổng số tiền hơn 19.000 tỷ đồng.
Cụ thể, dự án thoát nước Hà Nội có mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, hoàn thành vào cuối năm 2016. Dù vậy, từ sau khi hoàn thành đến nay, Hà Nội vẫn không tránh được ngập úng.
Hai dự án thoát nước, chống ngập cho khu vực phía Tây Hà Nội gồm các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, một số huyện ngoại thành là dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Hà Đông được triển khai từ năm 2015 với tổng mức đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng và Dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc với tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng.
Trong đó, trạm bơm tiêu Yên Nghĩa có công suất 120m3/giây bơm nước từ lưu vực sông Nhuệ ra sông Đáy, giảm ngập úng cho quận Hà Đông, Thanh Xuân; Cụm công trình đầu mối Liên Mạc có công suất 170m3/giây (gần gấp đôi trạm bơm Yên Sở) bơm nước từ sông Nhuệ ra sông Hồng, giảm ngập úng cho khu vực quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và phụ cận.
Tuy nhiên, hàng loạt các trạm bơm đi vào hoạt động, việc thoát nước ở khu vực các quận trên đa phần vẫn là tự chảy, nhiều điểm ở nội thành Hà Nội vẫn ngập khi trời mưa to.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, hệ thống thoát nước của Hà Nội kế thừa quy hoạch thoát nước của người Pháp trước năm 1954. Sau đó, Hà Nội mở rộng, nhưng đầu tư hệ thống thoát nước khá tùy tiện.
“Việc đô thị hóa mạnh dẫn đến rác thải không được thu gom tốt, gây tắc cống, ngăn dòng chảy của hệ thống thoát nước. Trong khi, việc duy tu, nạo vét cống, khơi dòng chảy vẫn hạn chế khiến Hà Nội ngập nặng hơn”, ông Ánh nói.
“TP Hà Nội có sông Hồng, sông Tô Lịch, sông Nhuệ, nhưng thực tế hệ thống thoát nước ở Hà Nội vẫn chủ yếu là tự chảy. Nhưng đường ống tự chảy lại quá dài, năng lực tiêu thoát hạn chế.
Vì vậy, cần quy hoạch nhiều điểm trạm bơm thoát nước, giếng thu, hồ điều hòa, vùng bán ngập... giống như “ắc quy nước” có tác dụng giảm áp lực của mưa lượng lớn, nâng cao năng lực thoát nước cho nội thành và tận dụng nước mưa”, ông Ánh nói.
GS. Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, Đại lộ Thăng Long hễ mưa là ngập nặng là do khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch.
Các trạm bơm đầu mối chưa được đầu tư đạt công suất quy hoạch. Các hồ điều hòa lớn cũng chưa được xây dựng. Cùng đó, hệ thống mương nông nghiệp tiêu thoát nước cho các hầm chui chưa được duy tu, sửa chữa thường xuyên. Khu vực này cũng chưa có hệ thống thoát nước đô thị.
“Mặt khác, do các mương tiêu thoát nước cho Đại lộ Thăng Long ra sông Nhuệ bằng hình thức tự chảy nên khi mực nước sông Nhuệ dâng cao hơn mặt đường hầm chui, các tuyến mương không thể tiêu thoát nước và gây nên tình trạng ngập úng”, GS. Hồng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận