Y tế

Chị em bất ngờ phát hiện ung thư cổ tử cung, khi nào nên tầm soát sớm?

14/11/2022, 15:40

Tầm soát ung thư cổ tử cung rất quan trọng đối với chị em phụ nữ, đặc biệt là những người ở độ tuổi trung niên từ 35 - 44 tuổi.

Bất ngờ phát hiện ung thư cổ tử cung

Vốn khỏe mạnh, lại thường xuyên bận rộn công việc nên chị N.T.H (Việt Trì, Phú Thọ) rất ít khi đi khám sức khỏe sinh sản định kỳ. Gần đây, được mời đi khám miễn phí, chị H. ngỡ ngàng nhận kết quả chẩn đoán ung thư cổ tử cung.

Kết quả khám lâm sàng cho thấy chị H. có tình trạng viêm âm đạo, viêm lộ tuyến cổ tử cung. Các bác sĩ chỉ định cho chị thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng phương pháp Thinpap Test, phát hiện tổn thương biểu mô vảy mức độ thấp.

img

Khám sức khỏe sinh sản định kỳ để sớm phát hiện các dấu hiệu ung thư cổ tử cung

Chị H. sau đó đã được khuyến cáo nên vào viện bấm mô cổ tử cung, kết quả giải phẫu bệnh phát hiện Carcinoma (ung thư cổ tử cung). Đồng thời, kết quả xét nghiệm HPV dương tính với 12 type HPV nguy cơ cao khác.

Tương tự, bà N.V.M (55 tuổi, trú tại Việt Trì, Phú Thọ) cũng bất ngờ nhận thông báo nghi ngờ ung thư cổ tử cung trong một lần khám sức khỏe sinh sản. Sau các xét nghiệm sàng lọc và giải phẫu bệnh, các bác sĩ kết luận, bà M. bị tổn thương nội biểu mô cổ tử cung có thể tiến triển tới ung thư (tiền ung thư).

Theo TS.BS Lê Thanh Đức, Trưởng khoa Nội vú - phụ khoa Bệnh viện K, “sàng lọc, phát hiện sớm ung thư là phương pháp tốt nhất giúp phát hiện những bất thường, dấu hiệu tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm, trước khi bệnh gây ra các triệu chứng và cơ hội điều trị thành công cao.

Chị em phụ nữ nên đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung theo chỉ định của bác sỹ, cùng với đó, việc tiêm phòng vaccine cũng là cách phòng tránh và phát hiện sớm nhất bệnh ung thư cổ tử cung”.

Mặc dù đã có nhiều khuyến cáo, tuy nhiên tại Bệnh viện K vẫn ghi nhận nhiều trường hợp đáng tiếc khi đến khám và điều trị bệnh ở giai đoạn muộn, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị.

Bao nhiêu tuổi nên đi tầm soát ung thư cổ tử cung?

Tầm soát ung thư cổ tử cung rất quan trọng đối với chị em phụ nữ, đặc biệt là những người ở độ tuổi trung niên từ 35 - 44 tuổi. Đây là phương pháp phát hiện ra các tế bào ung thư sớm bằng cách tìm ra tế bào bất thường trước khi chúng biến đổi thành tế bào ung thư. Nhờ vậy, quá trình ngăn chặn, điều trị bệnh ung thư cổ tử cung đạt thành công lên tới 75 - 90%.

Việc tầm soát ung thư thực hiện cho phụ nữ từ độ tuổi 21 trở lên, khi đã có quan hệ tình dục... Từ 21 tuổi trở đi, mọi phụ nữ đều có nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Trong đó, phổ biến nhất là độ tuổi 35 - 44 tuổi.

Tần suất thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung tùy thuộc vào loại xét nghiệm bạn chọn. Đa số định kỳ là từ 1 - 3 năm/lần.

Hiện nay có 2 phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung được sử dụng phổ biến nhất là Pap và HPV. Các chuyên gia khuyến cáo nên thực hiện kết hợp xét nghiệm HPV với xét nghiệm PAP- Smear giúp sàng lọc ung thư cổ tử cung hiệu quả cao nhất.

Theo BS. Đức, tầm soát ung thư cổ tử cung hiện đang là cách sàng lọc ung thư cổ tử cung có độ chính xác cao nhất. Để đảm bảo rằng kết quả xét nghiệm Pap chính xác nhất có thể, cần lưu ý tránh quan hệ tình dục, sử dụng các sản phẩm thuốc âm đạo, sản phẩm vệ sinh âm đạo trong vòng 2 ngày trước khi xét nghiệm.

Tránh tầm soát loại ung thư này khi đang có kinh nguyệt. Nên làm sau khi chu kỳ kinh nguyệt kết thúc khoảng 3 - 5 ngày.

Đối với các trường hợp âm đạo bị viêm nhiễm thì nên điều trị trước khi làm xét nghiệm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.