Xã hội

Chi hàng chục triệu mỗi tháng, nhường khách sạn làm nơi hậu cần chống dịch

13/08/2021, 10:54

Hai cha con ông Bảy Thôn ở TP.Cần Thơ tình nguyện nhường khách sạn 4 tầng, mỗi tháng chi thêm hàng chục triệu đồng giúp lực lượng chống dịch.

“Nếu ai cũng sợ dịch, thì biết bao giờ miền Tây mới trở lại trạng thái bình thường?”, đó là suy nghĩ khiến hai cha con ông Bảy Thôn tình nguyện nhường khách sạn 4 tầng làm nơi hậu cần chống dịch.

img

Anh Trung từ ông chủ khách sạn trở thành người phục vụ, lo hậu cần cho lực lượng chống dịch

28 phòng “full” khách

Mấy ngày trước, ông Huỳnh Thôn (Bảy Thôn, SN 1960) từ ấp Nhơn Lộc dong xe gắn máy đi 2km lên khách sạn của mình ở ngay chợ Phong Điền (ấp Thị Tứ, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) thì bị con trai mình là anh Huỳnh Quốc Trung (SN 1984)… “đuổi” về.

Lý do là vì anh Trung không muốn cha mình - người có nhiều bệnh nền, lui tới khách sạn anh đang quản lý. Nơi này, hiện mỗi ngày đang có gần 100 nhân viên y tế, sinh viên tình nguyện ra vào, ăn nghỉ. Họ mỗi ngày đi vào vùng dịch, rong ruổi các nơi trong huyện để lấy mẫu test, truy tìm F0…

img

Anh Trương Thanh Tùng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành đoàn Cần Thơ, phụ trách đoàn (bên trái) chia sẻ, khi về huyện, khó tìm chỗ nào ăn nghỉ khang trang như khách sạn Huỳnh Thôn.

Hồi cuối tháng 7, ông Bảy Thôn cùng con trai bàn tính: “Cái khách sạn 28 phòng của mình, vì dịch nên đang để trống. Hay là cứ ủng hộ huyện…”.

Ngay sau đó, anh Trung điện thoại cho Chủ tịch huyện, rồi Trưởng Công an huyện Phong Điền: “Mấy anh em trực chốt, nếu có mệt mỏi, thiếu chỗ nghỉ… cứ ghé khách sạn của em”.

Vậy là UBND huyện liên hệ cha con anh Trung, mượn chỗ cho đoàn chống dịch đang vào hỗ trợ huyện. Và bắt đầu từ ngày 8/8, gần 100 người trong đoàn bắt đầu “đóng quân” tại khách sạn Huỳnh Thôn 4 tầng của cha con anh Trung, ngay trung tâm huyện.

Cái khách sạn khang trang, thang máy, tiện nghi đầy đủ, giờ chất đầy khẩu trang, thiết bị y tế, đồ bảo hộ… 28 phòng “full” khách, lẽ ra chủ khách sạn hốt bạc, nhưng với cha con anh Trung thì lại… mất tiền thêm.

img

Sảnh khách sạn chất đầy đồ đạc của đoàn.

Tính ra, mỗi ngày anh phải bỏ ra thêm 1 triệu đồng, nào là mua nước đá, mua xà phòng giặt, kem đánh răng, văn phòng phẩm… cho đoàn. Cơm thì UBND huyện lo, đỡ được phần đó.

“Chỉ nghe tụi em nói với nhau thiếu cái gì là anh Trung lẳng lặng đi mua đem về. Nước đá uống, ảnh để sẵn, than đông người nên máy điều hòa không đủ lạnh là anh Trung chạy mua thêm quạt máy”, anh Trương Thanh Tùng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành đoàn Cần Thơ, phụ trách đoàn kể.

Em Phạm Thị Tuyết Vân, sinh viên tình nguyện, đang học Trường Đại học Y Dược Cần Thơ chia sẻ: “Đây là nơi khang trang nhất mà em từng ở trong chiến dịch này. Sau 1 ngày lấy mẫu test, chích vaccine, truy F0 mỏi mệt, ngã người ra nệm, máy lạnh ro ro, ai nấy nhẹ cả người. Cuộc chiến chống dịch chưa biết khi nào ngưng, càng mau phục hồi sức, càng tốt”.

Chi thêm hàng chục triệu đồng mỗi tháng

Sáng ra, mọi người cứ đi chống dịch, ở khách sạn, anh Trung và nhân viên lẳng lặng dọn phòng, đưa thêm đồ dùng cá nhân từng phòng một. Khách sạn lại sạch bong.

Anh nói, nếu “full” phòng, mỗi tháng khách sạn anh tốn khoảng 40 triệu tiền điện và 10 triệu đồng tiền nước. Nếu tính đúng, tính đủ, mỗi ngày hiện giờ anh phải bỏ ra 3-4 triệu đồng chi phí. Nhưng cha con anh rất vui, vì cảm thấy làm được điều ý nghĩa.

Nói chung, mùa dịch, nhiều người như cha con anh Trung, chỉ có chi mà không có thu.

Nhưng họ vẫn đồng lòng, chung tay góp tiền, góp sức cùng cuộc chiến chống dịch. Quý lắm! Họ chung tay góp phần với chúng tôi chống dịch, rất hoan nghênh!
Thượng tá Trần Văn Dũng, Trưởng Công an huyện Phong Điền


“Người khác thì thà để khách sạn trống trong mùa dịch, đỡ tốn. Nhưng cha con tôi nghĩ rằng, nếu ai cũng sợ dịch mà không ủng hộ, thì biết bao giờ dịch chấm dứt, kinh doanh trở lại bình thường? Thôi thì mỗi người góp một ít, ủng hộ việc chống dịch. Lúc dịch bùng phát, cơ sở vật chất có sẵn thì cứ góp”, anh Trung nói về nghĩa cử của cha con mình.

Từ hôm khách sạn trở thành nơi “đóng quân” của lực lượng chống dịch, ngày ngày 3 chiếc xe khách của hãng Phương Trang to đùng đậu trước khách sạn, hàng trăm nhân viên y tế mặc đồ trắng toát ra vào, anh Trung cũng lo, nhưng anh không hề sợ.

img

Phòng nghỉ của khách sạn Huỳnh Thôn khá tiện nghi

Anh cho vợ con về quê, đồng thời “cấm” cha mình lui tới, còn anh và vài nhân viên gồng mình hỗ trợ. “Tôi cũng được huyện hỗ trợ cho chích 1 mũi vaccine rồi, với lại mình kỹ chút là cũng an tâm”, anh cho biết.

“Có được chỗ hậu cần như vậy, anh em an tâm chống dịch. Đợt trước, đoàn ở ký túc xá của 1 trường đại học, ôi thôi nó bề bộn. Nhưng lúc này, có chỗ ăn nghỉ là tốt rồi. Vậy mà có được chỗ đầy đủ tiện nghi như của chỗ anh Trung, càng quý”, anh Tùng phấn khởi.

Không nói ra nhưng nhiều người kinh doanh khách sạn cũng biết, đây là lĩnh vực nhạy cảm. Lỡ có chuyện gì xảy ra, ảnh hưởng cả chuyện kinh doanh sau này, nhất là ở một huyện hẻo lánh.

Nhưng cha con anh Trung nghĩ đơn giản, “khi nào đoàn đi, phun khử trùng… là xong. Giúp cho việc chung mới quý. Nếu dịch còn dai dẳng, không chỉ người nghèo, mà chủ khách sạn như mình cũng mệt mỏi”.

Được biết, hàng năm, cha con anh Trung đều ủng hộ thị trấn Phong Điền cả trăm triệu đồng cho quỹ khuyến học, hỗ trợ người nghèo… Nhưng đó là lúc kinh doanh suôn sẻ. Ông Bảy Thôn còn có vài bến đò ngang, mùa này cũng nghỉ kinh doanh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.