Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV - Ảnh: TTXVN |
Ngày 17/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 6; Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2018.
Nhiều kiến nghị lặp lại qua các kỳ họp
Trình bày báo cáo tổng hợp 2.976 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV, Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, các ý kiến cử tri bày tỏ lo lắng về một số vấn đề nổi cộm và đề nghị Bộ GD&ĐT có báo cáo tổng thể và công khai các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa, tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc xuất bản sách giáo khoa, bảo đảm chất lượng, tiết kiệm, tránh tình trạng “độc quyền”; thực hiện rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật, bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch trong tổ chức thi và tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bức xúc trước sai phạm về đất đai thời gian qua, cử tri cũng đề nghị tổng rà soát và thanh tra việc quản lý, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản; tăng cường đối thoại, đề cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, xử lý nghiêm các vi phạm. Cùng với đó, đề nghị thực hiện tinh giản biên chế và lựa chọn, bố trí người thực sự có đức, có tài vào các vị trí lãnh đạo trong bộ máy; thực hiện thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, có các kiến nghị được lặp lại qua nhiều kỳ do các cơ quan chưa mổ xẻ được lý do, chưa có giải pháp đáp ứng được nguyện vọng của cử tri. Vì thế, cần tìm ra được nguyên nhân, nhất là về chính sách pháp luật thì mới có điều kiện để giải quyết, giảm dần bức xúc của cử tri. Ông cho rằng, đi tiếp xúc cử tri, đại biểu cần nhìn thẳng vào mắt người dân và nhìn vào trái tim mình, vì qua nhiều năm mà thấy trước mắt người dân còn đầy rẫy khó khăn.
Số kiến nghị được giải quyết tăng 1,5 lần
Báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đánh giá, chất lượng giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri được tất cả các Đoàn ĐBQH đánh giá cao, có sự chuyển biến rõ rệt về cả về chất lượng và thời hạn giải quyết.
Về rà soát kết quả giải quyết kiến nghị cử tri từ đầu nhiệm kỳ tới nay đã có 20/22 Bộ trưởng trực tiếp ký văn bản trả lời cử tri, chất lượng và số lượng giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri cũng tăng rõ rệt. Đặc biệt, có 1.878 kiến nghị được giải quyết xong, đạt tỷ lệ 18,79% (cao nhất trong vòng 15 năm và cao gấp 1,5 lần nhiệm kỳ trước).
Tuy nhiên, bà Hải cũng nhấn mạnh, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như một số văn bản trả lời cử tri có nội dung rất chung chung, chưa rõ, thiếu thống nhất nên gặp khó khăn khi thực hiện. Ngoài ra, một số văn bản đã được trả lời là tiếp thu và sẽ xem xét để giải quyết, tuy nhiên thời gian đã quá lâu mà vẫn chưa có kết quả. Việc này dẫn tới 79,79% các kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 5 được các cơ quan trả lời ở dạng cung cấp thông tin, hoặc trích dẫn các quy định đã có sẵn của pháp luật. Chỉ có 5,14% kiến nghị được tiếp thu để giải quyết. Cá biệt, còn có trường hợp, cơ quan trả lời viện dẫn cả văn bản không liên quan đến vấn đề cử tri hỏi để trả lời.
Rà soát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Dân nguyện cho biết, một số vấn đề mà cử tri phản ánh thuộc lĩnh vực giáo dục còn chưa được giải quyết thấu đáo nên cử tri tiếp tục có kiến nghị. Điển hình là các vấn đề liên quan đến đổi mới trong thi cử, thí điểm mô hình giáo dục, lãng phí trong sử dụng SGK, sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia, hay vấn đề lạm thu đầu năm học, bạo lực học đường… Những hiện tượng tiêu cực nêu trên ngày càng xuất hiện nhiều biến tướng, tinh vi tiếp tục gây bức xúc trong xã hội, như yêu cầu phụ huynh “tự nguyện” viết đơn xin học thêm cho con, bớt xén kiến thức dạy trên lớp để “ép” học sinh phải học thêm. Giao “chỉ tiêu, định mức” thu quỹ cho hội cha mẹ học sinh, giáo viên chủ nhiệm, “ép” học sinh mua sách tham khảo để hưởng chiết khấu... |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận