Xã hội

Chỉ huy tàu ngầm kể chuyện chinh phục “hố đen đại dương”

03/05/2020, 06:17

Kết thúc khóa huấn luyện chuyển giao với kết quả tốt, Trần Văn Phương được các chuyên gia Nga đánh giá cao.

img
Thiếu tá Trần Văn Phương được tặng Bằng khen của Thủ tướng

Trở thành sĩ quan chỉ huy tàu ngầm, Thiếu tá Trần Văn Phương (Phó thuyền trưởng Tàu ngầm 186 - Đà Nẵng, Lữ đoàn 189, Quân chủng Hải quân) đã và đang cùng đồng đội ngày đêm thầm lặng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên những con tàu hiện đại được mệnh danh “hố đen đại dương” (tàu ngầm lớp Kilo).

“Không được lùi bước”

Ngày 26/3/2020, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tuyên dương 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019. Trong số đó, có Thiếu tá Trần Văn Phương (Phó thuyền trưởng Tàu ngầm 186 - Đà Nẵng, Lữ đoàn 189, Quân chủng Hải quân).

Thiếu tá Phương chia sẻ, có lẽ trở thành một người lính tàu ngầm của lực lượng hải quân dường như là một cơ duyên đối với anh.

Những năm qua, trong thanh niên Hải quân đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trong các lĩnh vực. Thiếu tá Trần Văn Phương là một điển hình về tinh thần nỗ lực, ý chí quyết tâm hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào quá trình làm chủ tàu ngầm hiện đại của Quân chủng, trở thành người truyền cảm hứng để tuổi trẻ Hải quân, tuổi trẻ cả nước tích cực học tập, noi theo.
Thượng tá Phạm Khoa Nam, Trưởng phòng Công tác quần chúng, Cục Chính trị Hải quân


Bố của Thiếu tá Phương vốn là một người lính hải quân, từng là sĩ quan tốt nghiệp Học viện Hải quân Baku (Nga) nên từ nhỏ anh đã quen với hình ảnh người lính biển.

Từ khi còn là một cậu học sinh, mỗi lần nhìn thấy bố và các đồng đội trở về sau mỗi chuyến đi biển, kể về những chuyến công tác, Phương đã ước ao lớn lên sẽ được khoác lên mình bộ quân phục hải quân. Tình yêu biển đảo quê hương ấy cứ lớn dần theo năm tháng, nên tốt nghiệp THPT, Phương quyết tâm thi vào Học viện Hải quân.

“Một ngày cuối hè năm 2004, nhận giấy báo trúng tuyển vào Học viện Hải quân, tôi và bố thao thức đến khuya tâm sự. Bố chia sẻ rất nhiều về những trải nghiệm, tình yêu với biển đảo quê hương và cả những khó khăn gian khổ của người lính biển. Bố bảo tôi phải biết đón nhận và vượt qua những khó khăn sắp tới, làm quen với cuộc sống xa gia đình, đồng thời phải rèn luyện nhiều để chịu được sóng gió trên biển”, Thiếu tá Trần Văn Phương nhớ lại.

Nhưng rồi chuyện buồn ập tới, khi bố anh qua đời sau cơn bạo bệnh. Mẹ Phương vì quá đau buồn cũng giảm sút sức khỏe trầm trọng. Nhớ bố, thương mẹ, vượt qua nỗi đau buồn, Phương càng nỗ lực thực hiện lời dặn “không được lùi bước” của bố để phấn đấu học tập, trở thành một người lính quả cảm.

Tốt nghiệp Học viện Hải quân với quân hàm Trung úy, Phương được điều về công tác tại Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, trên cương vị Phó thuyền trưởng tàu tên lửa, Lữ đoàn 172.

Mối duyên của Phương với “hố đen đại dương” - tàu ngầm Kilo bắt đầu từ tháng 10/2010. Để chuẩn bị xây dựng và phát triển lực lượng tàu ngầm, sau quá trình tuyển chọn khắt khe, Trung úy Trần Văn Phương khi đó được Quân chủng Hải quân đưa đi đào tạo chuyên ngành Hàng hải tàu ngầm tại Liên bang Nga.

Hoàn thành khóa đào tạo về tàu ngầm với kết quả đạt loại Giỏi, tháng 6/2012, trở về nước, Phương được chọn vào Kíp tàu ngầm số 3, Lữ đoàn Tàu ngầm 189, rồi lập tức quay lại Nga để dự huấn luyện chuyển giao tàu ngầm Kilo trong vòng hai năm. Nhiệm vụ lần này nặng nề hơn khi Phương phải tự rèn luyện sức khỏe để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, đồng thời thu nhận lượng lớn kiến thức về loại tàu ngầm mà Hải quân Việt Nam chuẩn bị tiếp nhận.

“Trong giờ học chính khóa, tôi tập trung vào các nội dung cốt lõi. Giờ tự học, tôi tích cực nghiên cứu tài liệu, trao đổi với các đồng đội trong kíp tàu và các giảng viên Nga để nhanh chóng giải đáp những nội dung còn vướng mắc. Giờ huấn luyện trên tàu ngầm, tôi luôn chủ động học hỏi để nắm chắc mọi kiến thức…”, Thiếu tá Phương chia sẻ.

Kết thúc khóa huấn luyện chuyển giao với kết quả tốt, Trần Văn Phương được các chuyên gia Nga đánh giá cao. Trở về nước, Phương được bổ nhiệm Phó thuyền trưởng (phụ trách huấn luyện) Tàu ngầm 184 - Hải Phòng. Hiện nay, anh là Phó thuyền trưởng Tàu ngầm 186 -Đà Nẵng, Lữ đoàn 189 Hải quân.

Hậu phương vững chắc

img
Thiếu tá Trần Văn Phương quán triệt chỉ huy đơn vị

“Trong thực hiện nhiệm vụ, tôi đặt ra phương châm: Độc lập trong suy nghĩ; tìm tòi, sáng tạo trong công việc; kiên quyết trong chỉ huy, điều hành; phát huy vai trò của mọi tổ chức và cá nhân trong đơn vị tạo thành sức mạnh tập thể để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ”, Trần Văn Phương tâm sự và chia sẻ thêm, anh đã cùng đội ngũ cán bộ, kíp tàu trực tiếp biên dịch và biên soạn 2 tài liệu huấn luyện tàu ngầm; tham gia hiệu chỉnh 10 tài liệu tiếng Nga (gần 1 nghìn trang) về chuyên ngành tàu ngầm. Các tài liệu này đều được đánh giá cao và ứng dụng hiệu quả trong thực tế, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện và tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước.

Thiếu tá Trần Văn Phương tâm sự: “Do tàu ngầm hoạt động đặc thù, chuyên sâu, môi trường và điều kiện hoạt động khắc nghiệt, nên ngoài việc thủy thủ phải có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, thì mọi thao tác, hành động ở tất cả các vị trí trên tàu đều phải bám theo khẩu lệnh của người chỉ huy, 100% không sai lệch. Quá trình làm nhiệm vụ, tôi cùng đồng đội luôn xác định Lữ đoàn 189 là lữ đoàn ba đặc biệt: Trung thành đặc biệt, đoàn kết đặc biệt và kỷ luật đặc biệt”.

Đến nay, Thiếu tá Trần Văn Phương đã tích lũy được gần 50 chuyến đi biển với hơn 4 nghìn giờ lặn bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Không ngừng rèn luyện, trau dồi kiến thức, Thiếu tá Phương đã cùng đồng đội chinh phục thành công tàu ngầm hiện đại được mệnh danh là những “hố đen đại dương”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương.

Dù gia đình hiện sống ở Đà Nẵng, nhà rất gần đơn vị, nhưng mỗi khi không có nhiệm vụ đặc biệt, Thiếu tá Phương cũng chỉ có thể về thăm nhà 5- 7 ngày rồi lại vào đơn vị. Mỗi chuyến công tác của cùng đồng đội thường kéo dài từ 3 - 4 tháng, có chuyến kéo dài tới 6 tháng. Mỗi người lính tàu ngầm đều phải chấp nhận việc sống xa nhà.

“Thực sự tôi phải cảm ơn gia đình, vợ con, bố mẹ hai bên nội ngoại đã tạo hậu phương vững chắc để tôi yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi khi xuống tàu ngầm thực hiện nhiệm vụ là tuyệt đối bí mật, ngay cả gia đình cũng không thể biết mình đi đâu, làm gì, khi nào đi và khi nào trở về. Khi vợ tôi mang bầu, tôi có hứa là khi vợ sinh em bé, tôi sẽ cố gắng về và chăm con cùng vợ. Nhưng sau đó có chuyến đi đột xuất, đến khi tàu cập cảng tôi mới nhận được tin nhắn của gia đình cho biết con trai đã chào đời được 10 ngày”, Thiếu tá Phương chia sẻ.

Với những nỗ lực của bản thân, Thiếu tá Phương và đồng đội đã xây dựng Tàu ngầm 184 - Hải Phòng trở thành đơn vị tiêu biểu trong phong trào thi đua Quyết thắng của Lữ đoàn 189. Cá nhân anh 4 năm liên tục (2015-2018) được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”. Năm 2018, anh là “Chiến sĩ thi đua toàn quân”, là một trong 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu của Quân chủng Hải quân và được thăng quân hàm Thiếu tá trước niên hạn.

Lữ đoàn Tàu ngầm 189 là lữ đoàn tàu ngầm hiện đại đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam, có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Kể từ khi đón tàu ngầm đầu tiên vào năm 2014, đến nay Hải quân nhân dân Việt Nam có 6 tàu ngầm tấn công lớp Kilo mang tên: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Bà Rịa - Vũng Tàu, được đưa vào biên chế của Lữ đoàn Tàu ngầm 189.

Đến nay, toàn bộ 6 chiếc tàu ngầm hiện đại lớp Kilo 636 Việt Nam đặt mua từ LB Nga đã được đưa vào đội hình chiến đấu của Lữ đoàn Tàu ngầm 189, sẵn sàng tham gia các phương án tác chiến cao nhất; kịp thời đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tàu ngầm lớp Kilo là loại tàu ngầm tấn công thông thường hiện đại hàng đầu của thế giới, còn được gọi với biệt danh “Hố đen” trong lòng đại dương do khả năng hoạt động cực êm, khó bị phát hiện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.