Thế giới giao thông

Chi nửa triệu USD/giờ cho xe điện, Tesla nguy cơ cạn tiền

30/11/2017, 11:08

Nhà sản xuất xe điện đã "đốt tiền" với tốc độ 8.000 USD/phút (tương đương 480.000 USD/giờ).

34

Tesla đốt 8.000 USD/phút cho việc nghiên cứu sản xuất các mẫu xe điện

Tesla - Tập đoàn sản xuất xe điện đình đám của Mỹ vừa tuyên bố thiết kế xe ô tô thể thao chạy bằng điện mới có thể tăng tốc từ 0 lên gần 100km/h chỉ trong 1,9 giây, gây bão dư luận. Nhưng bất ngờ này không thể che lấp một thực tế Tesla sắp cạn tiền mặt và đây mới chính là điều các nhà đầu tư quan tâm.

Đốt 8.000 USD/phút

Tờ Bloomberg phân tích dữ liệu nhận thấy, trong 12 tháng qua, nhà sản xuất xe điện đã "đốt tiền" với tốc độ 8.000 USD/phút (tương đương 480.000 USD/giờ). Với tần suất này, công ty Mỹ sẽ cạn kiệt toàn bộ tiền mặt vào ngày 6/8/2018.

Mỗi quý, Tesla chi hơn 1 tỉ USD để duy trì hoạt động kinh doanh hiện tại và tăng cường sản xuất của dòng xe Model 3.

Hiện nay, Tesla đang vướng phải “nút thắt cổ chai" trong dây chuyền sản xuất chiếc Model 3. Kể từ khi trình làng Model 3 vào mùa hè năm ngoái tới nay, Tesla chỉ sản xuất được 260 chiếc xe điện giá rẻ - con số khá khiêm tốn so với mục tiêu 1.600 chiếc mà CEO Elon Musk hứa hẹn.

Đối với một công ty chỉ sản xuất 3 mẫu xe, mức tiêu tiền này thực sự đáng ngại. Tờ Bloomberg dẫn lời một số nhà quan sát cho rằng, Tập đoàn Tesla đang “đốt tiền” ở mức độ vô cùng nguy hiểm.

So sánh để thấy rõ General Motors cũng chi 1 tỉ USD mỗi quý nhưng nhà sản xuất ô tô lớn nhất tại Mỹ đang kinh doanh hàng chục loại xe khác nhau trên toàn thế giới và đang bán gần 10 triệu ô tô và xe tải.

Nếu như GM có thể tạo ra lợi nhuận hàng năm thì Tesla vừa chứng kiến mức thua lỗ hàng quý cao nhất trong lịch sử 14 năm của công ty.

Kế hoạch huy động tiền mặt mong manh

Để giải quyết vấn đề vốn, CEO Elon Musk công bố kế hoạch yêu cầu khách hàng đặt tiền trước nếu muốn mua xe. Song, theo các chuyên gia, yêu cầu này không thuyết phục và khó hiệu quả vì chưa biết những chiếc xe này có được giao hàng trong vài năm nữa hay không.

Chẳng hạn, để đặt chiếc Founders Series Roadster, khách hàng phải đặt trước 250.000 USD dù chưa chắc 2 năm nữa chiếc xe này có được giao hay không. Hiện nay, đã có 1.000 đơn đặt hàng đối với loại xe này. Như vậy, Tesla có thể thu được 250 triệu USD tiền mặt.

Tesla cũng yêu cầu phải đặt trước khoảng 50.000 USD với mỗi chiếc Roadster. Với xe tải điện Semi, người mua có thể đặt trước với chi phí khoảng 5.000 USD mặc dù đến năm 2019, Tesla cũng chưa đi vào sản xuất.

Tuy nhiên, kể cả kế hoạch huy động vốn trên được khách hàng chấp nhận, nó cũng chỉ mang lại lượng tiền còm cõi, không thấm vào đâu so với nhu cầu tài chính của Tesla với khoảng 1 tỉ USD/quý.

“Liệu họ có thể kéo dài thêm 10 tháng hoặc 1 năm? Họ đang cần tiền và phải có tiền thật nhanh”, ông Kevin Tynan, nhà phân tích cấp cao của Bloomberg Intelligence nói và ước tính Tesla cần phải huy động ít nhất 2 tỉ USD tiền mặt tính đến giữa năm 2018.

Tesla vẫn tuyên bố, họ dư dả tiền để thực hiện mục tiêu sản xuất 5.000 xe Model 3/tuần tính đến cuối tháng 3 năm tới. Sau ngày đó, công ty dự tính sẽ thu về lợi nhuận đáng kể, Tesla cho biết trong thư gửi tới các cổ đông.

Hoạt động chi tiêu của Tesla cũng sẽ giảm khi công ty thanh toán hết các chi phí liên quan tới xe Model 3 - Giám đốc Tài chính Tesla (CFO) Deepak Ahuja cho biết. Đại diện của Tesla tại Palo Alto, Dave Arnold từ chối nêu cụ thể chi tiết.

Nhưng những lựa chọn huy động vốn khác mà hãng xe điện của Mỹ có trong tay khá hạn chế. Và lựa chọn bán cổ phần được coi là khả quan nhất nhưng dĩ nhiên sẽ làm loãng các cổ đông hiện tại, trong đó ông Musk là cổ đông lớn nhất với 20% cổ phần.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.