Trao đổi với Báo Giao thông, Phó TGĐ Bamboo Airways Đặng Tất Thắng cho biết, chi phí đào tạo phi công tại Viện đào tạo của hãng này sẽ giảm một nửa so với ở nước ngoài.
Bamboo Airways kỳ vọng gì khi thành lập Viện đào tạo hàng không, thưa ông?
Chiều 28/7, Bamboo Airways đã khởi công Viện đào tạo Hàng không Bamboo với quy mô 10 hecta, tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng cho giai đoạn thành lập và phát triển. Dự kiến sau khi hoàn thành và đưa vào hoạt động vào năm 2022, Viện này sẽ đào tạo gần 3.500 học viên mỗi năm, tập trung trong các chuyên môn nghiệp vụ ngành như: phi công, tiếp viên hàng không, kỹ thuật, khai thác mặt đất, điều hành khai thác bay và các chức năng đào tạo cơ bản…
Với việc ra mắt Viện đào tạo hàng không Bamboo Airways, đến 2021, chúng tôi có thể đào tạo phi công 100% ở Việt Nam.
Trước mắt, chúng tôi sẽ đào tạo liên tục, thường xuyên cho các phi công, tiếp viên của Bamboo Airways. Đến 2021, sẽ bắt đầu đầu tạo hoàn toàn mới từ đầu tiên cho đến khi trở thành phi công chính thức.
Bamboo Airways đã chuẩn bị gì cho việc đào tạo này?
Hiện tại, chúng tôi đã có kế hoạch đặt hàng SIM (simulator) của các dòng máy bay Bamboo Airways đang và sẽ khai thác như Airbus A320, A321neo, đặc biệt là Boeing 787 Dreamliner. Dự kiến đến 2020, chúng tôi sẽ có được những SIM này để triển khai tại học viện hàng không.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ làm việc với cảng hàng không Phù Cát để đặt các máy bay huấn luyện. Kết hợp giữa đào tạo trên SIM và đào tạo thực tế, chúng tôi hy vọng đến đầu 2021 sẽ có thể bắt đầu đào tạo chính thức các khoá phi công cho Việt Nam.
Bamboo Airways có kỳ vọng sẽ có thể xuất khẩu phi công, thưa ông?
Đội tàu bay của Bamboo Airways hiện tại là 10 chiếc. Dự kiến đến cuối năm nay, đội tàu bay của chúng tôi sẽ tăng lên 22 tàu. Trong các năm tiếp theo, mỗi năm, chúng tôi sẽ tăng từ 10 - 20 tàu bay. Chỉ riêng nhu cầu của Bamboo Airways về phi công đã rất lớn. Vì vậy, trước mắt, chúng tôi sẽ chỉ đào tạo phi công đáp ứng nhu cầu nội tại và trong tương lai có thể đào tạo phi công cho các hãng trong nước cũng như trong khu vực.
Vậy chính xác đến thời điểm nào sẽ có những phi công đầu tiên do Học viện hàng không Bamboo Airways đào tạo?
Dự kiến đến 2021 chúng tôi bắt đầu tiến hành đào tạo và sau khoảng 1 - 1,5 năm, những phi công đầu tiên sẽ “ra lò”. Hiện tại, ở Việt Nam chưa có một trường nào có đủ điều kiện đào tạo một phi công. Thực tế, để có thể đào tạo được một phi công, cần có cơ sở vật chất đồng bộ, như tôi nói trên là có các SIM và máy bay huấn luyện.
Chi phí mà các học viên phi công, tiếp viên phải chi trả cho một khoá học là bao nhiêu, thưa ông?
Dự kiến, chi phí đào tạo phi công tại các nước phát triển khoảng 50 - 100 nghìn USD tuỳ khoá học. Nếu đào tạo trong nước, chi phí này sẽ giảm được khoảng 50%.
Ông có thể cho biết, dự kiến mỗi năm sẽ có khoảng bao nhiêu phi công "ra lò"?
Số liệu này sẽ cần phải tính toán thêm, tuỳ thuộc vào hạ tầng của sân bay Phù Cát, liên quan đến máy bay huấn luyện và SIM. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng từ 2021 trở đi mỗi năm sẽ đào tạo 200 - 300 phi công. Việc tuyển sinh dự kiến sẽ bắt đầu ngay trong thời gian tới.
FLC và Bamboo Airways có chương trình hỗ trợ tài chính gì cho các học viên phi công không?
Hiện các phi công đang làm việc với chúng tôi đều đã được hỗ trợ tài chính rất nhiều. Còn đối với các phi công đào tạo tại Học viện của Bamboo Airways và sau đó cam kết làm việc tại Bamboo, chúng tôi sẽ có những gói hỗ trợ tương thích tuỳ nhu cầu của các phi công.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận