Chi phí cao làm giảm sức cạnh tranh hàng hóa của vùng
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, chi phí logistics của nước ta trung bình ở mức 16,8-17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung là 10,6% của thế giới, ảnh hưởng trực tiếp tới sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Riêng tại ĐBSCL, là vựa nông sản và thủy sản của cả nước, chi phí logistics chiếm tới 30% giá thành sản phẩm các mặt hàng nông sản, thủy sản.
Nguyên nhân chính và cũng là điểm nghẽn lớn nhất của vùng là hệ thống logistics chưa phát triển, thiếu hệ thống cảng biển, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu.
Thực tế, khoảng 90% hàng hóa của vùng được chuyển bằng đường bộ đến các cảng tại TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu để xuất khẩu. Điều này làm đội chi phí logistics, tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa ĐBSCL.
Khu vực này có 13 tỉnh với lợi thế có đủ các loại hình vận tải đường sông, đường biển, đường bộ và hàng không, nhưng hiện chỉ có 1.461 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chỉ chiếm khoảng 4,39% số lượng doanh nghiệp logistics của cả nước.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, phần lớn các dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ, chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận tải nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao.
"Các doanh nghiệp logistics hoạt động tại ĐBSCL mới chỉ dừng lại ở việc giao nhận vận tải, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, vận chuyển nội địa, gom hàng lẻ chứ chưa thể tích hợp, tổ chức và liên kết các hoạt động trong chuỗi logistics", ông Trần Thanh Hải đánh giá.
Cách nào gỡ "nút thắt"?
Đưa ra giải pháp, ông Hải góp ý, cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư trong hoạt động logistics, đặc biệt là hoạt động đầu tư của các dự án; tạo cơ chế cho nhà đầu tư; thúc đẩy đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng ĐBSCL giai đoạn 2022-2025; điều chỉnh việc phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; xúc tiến đầu tư theo hợp tác công-tư.
Hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ logistics; cải tạo, nâng cấp các luồng tàu biển chính trong khu vực; phát triển cảng biển cần gắn với các trung tâm sản xuất hàng hóa, kêu gọi đầu tư cảng ngoài khơi…
Chung mối quan tâm này, tại phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội mới đây, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) cho rằng, cấp thiết phải đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu trong vùng ĐBSCL để phục vụ xuất nhập khẩu, thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Theo ông, Quyết định 1579 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 cũng đã định hướng phát triển các cảng biển quy mô lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng; các bến cảng tại các huyện đảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển đảo…
Tại tỉnh Cà Mau sẽ ưu tiên phát triển cảng Hòn Khoai tại đảo Hòn Khoai.
Ông lập luận, đảo Hòn Khoai nằm ở phía Đông Nam Mũi Cà Mau, cách đất liền 14,7km, cách đường hàng hải quốc tế khoảng 20 hải lý, cách TP.HCM khoảng 340km, vùng biển này có độ sâu từ 15-27m, ổn định luồng lạch, rất thuận tiện cho việc xây dựng cảng biển nước sâu và là một trong ít cảng biển nước sâu của cả nước cho phép ra, vào, bốc dỡ tàu có tải trọng rất lớn, tàu 250.000 tấn.
"Cảng Hòn Khoai sẽ là động lực phát triển kinh tế - xã hội không chỉ riêng cho Cà Mau mà cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long", ông Thanh nói và nhận định, ngoài yếu tố phát triển kinh tế biển, Hòn Khoai là vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, được ví như điểm tiền tiêu ở khu vực phía Nam để canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước ta.
Nghị quyết 78 ngày năm 2022 của Chính phủ, trong đó có việc nghiên cứu cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng đất Mũi Cà Mau, tuy nhiên, hiện nay, do chưa quy hoạch chi tiết, cùng với cơ chế chính sách ưu đãi chưa có nên dự án cảng Hòn Khoai có vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD này vẫn chỉ là tiềm năng, chờ đợi.
Vì vậy, ông Nguyễn Duy Thanh đề nghị Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh Cà Mau trong việc xây dựng khung pháp lý, tạo cơ chế, chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn để kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân.
Đồng thời xem xét hỗ trợ một phần từ nguồn ngân sách Trung ương cho các công trình kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng như khu dịch vụ hậu cần logistics ven bờ, cầu dẫn từ bờ ra đảo, đê chắn sóng, luồng tàu, báo hiệu hàng hải… Trường hợp cần thiết, đề nghị cho phép doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng có năng lực để đầu tư cảng lưỡng dụng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận