MV "rác" có thể bị xử lý ra sao?
Liên quan đến ồn ào Chi Pu, Bình Gold gây tranh cãi vì có MV bị đánh giá là dung tục, phản cảm, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) thừa nhận với Báo Giao thông rằng, vấn đề "rác" trong âm nhạc không còn xa lạ trong xã hội ngày nay.
MV "Sashimi" của Chi Pu gây tranh cãi khi có nhiều từ ngữ, hình ảnh bị đánh giá là phản cảm, dung tục
Theo vị luật sư, chỉ cần một click tìm kiếm trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện hàng loạt các video với hình ảnh phản ánh, ngôn từ tục tĩu, trái thuần phong mỹ tục nhưng lại thu hút hàng triệu lượt xem.
"Điều này cực kỳ nguy hại cho trẻ em, bởi những người thực hiện những MV ca nhạc này đều là những người trẻ, nổi tiếng và có một lượng người hâm mộ là người trẻ tuổi.
Vì vậy, cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc xử lý thật nghiêm và buộc gỡ, xóa bỏ toàn bộ những tác phẩm “rác” này", luật sư Tiền bày tỏ.
Rapper Bình Gold
Về góc độ pháp lý, ông Trần Xuân Tiền cho biết, hành vi sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội là hành vi bị cấm trong hoạt động biểu diễn.
Cụ thể là vi phạm quy định về lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung nghệ thuật biểu diễn căn cứ tại khoản 3 Điều 13 Nghị định 38/2021/NĐ - CP.
"Theo quy định này, trong trường hợp được xác định có vi phạm, Chi Pu hoặc các nghệ sĩ khác có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng.
Bên cạnh đó, người này còn có thể bị buộc tiêu hủy văn hóa phẩm có nội dung độc hại, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được và buộc tháo gỡ bản ghi âm, ghi hình, văn hóa phẩm có nội dung độc hại dưới hình thức điện tử trên môi trường mạng và kỹ thuật số, cụ thể ở đây là các MV “rác” đang được lan truyền trên mạng xã hội", luật sư phân tích.
Cần phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía
Luật sư Tiền khuyến cáo, khi Internet phát triển nên trẻ em có thể dễ dàng tiếp cận nhiều thông tin trên mạng xã hội. Tuy nhiên, việc thiếu ý thức trong việc thực hiện và đăng tải những sản phẩm âm nhạc dung tục có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội
"Hiện nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp những em nhỏ thay vì ngân nga câu hát với giai điệu dễ thương, ca từ ý nghĩa,... thì lại thi nhau hát những bài hát sáo rỗng phản cảm như: "Ông bà già tao lo hết," "Mượn "xe nhớ đổ xăng",... thậm chí, có những bài hát còn gián tiếp gây ra những vụ án thương tâm với nạn nhân là trẻ em.
Như vậy, những hậu quả từ những tác phẩm “rác” gây ra không thể lường trước được. Người lớn có thể nhún vai bỏ qua. Nhưng với trẻ em tuổi teen, lứa tuổi nhạy cảm, đây lại là câu chuyện đáng nói.
Trước mắt, các cơ quan quản lý phải phối hợp chặt chẽ để phát hiện và xử lý nghiêm các hoạt động tiêu cực trên mạng xã hội.
Các gia đình, trường học, đoàn thể tăng cường giáo dục, quản lý thành viên của mình - không xem, không tham gia các hoạt động xấu. Có thể sử dụng các biện pháp về công nghệ để phát hiện, ngăn chặn các sản phẩm vi phạm trên mạng", luật sư Tiền nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận