Thị trường

Chỉ số PCI 2018: Năng gặp và lắng nghe doanh nhân được đánh giá cao

29/03/2019, 06:41

Theo tiết lộ của đoàn điều tra PCI, có tới 60% DN cho biết thời gian thực hiện thủ tục hành chính ở Quảng Ninh được rút ngắn hơn...

img
Hạ tầng giao thông cải thiện những năm qua và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao
(Trong ảnh: Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ). Ảnh: Tạ Tôn

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam (PCI) 2018 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng 28/3 bên cạnh những điểm sáng là lo ngại về tình trạng có đến 7/10 tỉnh nghèo nhất nước xếp cuối bảng xếp hạng.

Hà Nội lần đầu vượt TP HCM, lọt top 10

Báo cáo PCI 2018, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, đề cập ngay tới Hà Nội khi Thủ đô lần đầu tiên giữ vị trí thứ 9, tăng 4 bậc so với năm ngoái.

Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó chủ tịch TP Hà Nội cho biết: Đến nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến của Thủ đô cấp độ 3-4 đã đạt 55%, hồ sơ đăng ký qua mạng đạt 100%, DN kê khai thuế qua mạng đạt 98%, thời gian giải quyết đăng ký kinh doanh và đầu tư giảm 31%, quy hoạch giảm 50%, xử lý thủ tục về giấy sử dụng đất còn 14 ngày, tiếp cận lưới điện 11 - 16 ngày... Năm 2018, Hà Nội đã thu hút 7,5 USD vốn, đứng đầu cả nước và cao nhất trong 30 năm.

Nhưng được DN đánh giá tích cực hơn phải kể tới Quảng Ninh, địa phương lần thứ hai dẫn đầu bảng xếp hạng với 70,36/100 điểm. Theo tiết lộ của đoàn điều tra PCI, có tới 60% DN cho biết thời gian thực hiện thủ tục hành chính ở Quảng Ninh được rút ngắn hơn so với quy định, 74% DN đánh giá thủ tục giấy tờ đơn giản - con số cao nhất cả nước.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Việc thay đổi quan điểm hỗ trợ DN, người dân từ bị động sang chủ động, thông qua các chương trình như Cà phê với buổi sáng, Cà phê với doanh nhân, gặp gỡ trực tiếp, hội thảo từng nhóm lĩnh vực một cách cởi mở giúp doanh nghiệp bày tỏ nguyện vọng cũng như đề đạt mong muốn với chính quyền”.

Còn quan ngại, dư địa còn nhiều

Xếp hạng PCI 2018:
10 tỉnh, thành phố top đầu và top cuối

1. Quảng Ninh
2. Đồng Tháp
3. Long An
4. Bến Tre
5. Đà Nẵng
6. Bình Dương
7. Quảng Nam
8. Vĩnh Long
9. Hà Nội
10. TP Hồ Chí Minh

...
54. Quảng Bình
55. Hải Dương
56. Sơn La
57. Cao Bằng
58. Hưng Yên
59. Kon Tum
60. Bắc Kạn
61. Bình Phước
62. Lai Châu
63. Đắk Nông


Ông Đậu Anh Tuấn cho biết: Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ năm 2016, lãnh đạo Chính phủ đã rất tích cực chống tiêu cực và cắt giảm các chi phí không chính thức trong các giao dịch kinh doanh. Riêng chi phí không chính thức đã có chuyển biến song đến nay vẫn còn 39,9% DN phải chi trả chi phí không chính thức, 44% DN làm thủ tục xuất nhập khẩu phải chi trả ngoài luồng...

Chi phí không chính thức giảm, đặc biệt là tham nhũng vặt đã giảm rõ rệt so với thời kỳ trước song Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc dẫn con số, vẫn còn 58% DN trong nước bị nhũng nhiễu, 54% DN phải trả chi phí bôi trơn. “Vẫn có tới 40% DN cho biết các tỉnh còn ưu tiên, ưu ái DN Nhà nước và FDI hơn các DN tư nhân”, ông Lộc nói. Chủ tịch VCCI cũng nêu, việc gia nhập thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, thủ tục hậu đăng ký kinh doanh vẫn là gánh nặng. Có tới trên dưới 30% DN cho biết gặp nhiều khó khăn khi xin các giấy chứng nhận kinh doanh.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết năm 2019 sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh; tạo thuận lợi, bình đẳng giữa DNNN, DN tư nhân và DN FDI. “Tỉnh sẽ tiếp tục có những hội thảo soi hết sức cụ thể vào 10 chỉ số thành phần để từ đấy đưa ra biện pháp, giải pháp hành động nào để cải thiện chỉ số CPI”, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.

Suốt buổi công bố báo cáo, ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp ngồi rà soát và so sánh giữa các địa phương nhóm đầu. Đồng Tháp chỉ kém Quảng Ninh vỏn vẹn 0,17 điểm (ở hai chỉ số gia nhập thị trường và đào tạo), còn chi phí thời gian, chi phí không chính thức... đều cao hơn tỉnh đứng đầu. “Phải rà soát lại đào tạo năng lực. Trên cơ sở đó triển khai trong năm tới cùng các chỉ số khác nữa để tăng điểm lên”, ông Dương quyết tâm. Tháng 7 năm ngoái, sau khi Cà phê với doanh nhân, ông Dương cũng là người công khai email cá nhân, số điện thoại, hộp thư điện tử của trợ lý để doanh nghiệp trực tiếp phản ánh vướng mắc tới lãnh dạo. Theo ông Lộc, người đứng đầu phải quyết tâm và hành động thì địa phương mới có chuyển biến, mới kỳ vọng cải cách môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp.

Doanh nghiệp đánh giá cao mức độ cải thiện hạ tầng giao thông

- Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã và đang tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nhận được sự đánh giá tích cực của doanh nghiệp FDI.

- Trên thang điểm 5, đánh giá của DN về chất lượng đường sá dao động quanh mức 3,5 (tương đối tốt) và 4 (tốt) kể từ năm 2014.

- Về mức độ kết nối cảng-cao tốc và đường sắt-cao tốc, DN FDI hài lòng với chất lượng hạ tầng, đánh giá “tốt” hoặc “có cải thiện” ở hầu hết các chỉ tiêu, như: chất lượng đường bộ ở mức 3,9/5, kết nối cảng-cao tốc 4,2/5 điểm, kết nối đường sắt-cao tốc 4,3/5 điểm. Điểm số của hầu hết các chỉ tiêu cũng có sự cải thiện trong giai đoạn 2014-2018.

- Chất lượng đường sá các tỉnh được đánh giá cao, nhất là một số tuyến: Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.