Bảo hiểm

Chỉ tiêu thu BHXH tỉnh Gia Lai tăng mạnh đầu năm 2020

29/05/2020, 13:47

Tháng 5/2020, các chỉ tiêu thu bảo hiểm của Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai đều tăng mạnh.

img
Bằng mọi biện pháp thiết thực, Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai tiếp tục cải cách hành chính để phục vụ người dân tốt nhất

Với nhiều lý do khách quan và bằng sự phấn đấu của công chức, viên chức và người lao động Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Gia Lai, tháng 5/2020, các chỉ tiêu thu bảo hiểm đều tăng mạnh. Đặc biệt số thu BHXH tự nguyện tăng tới 82,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Tất cả các chỉ tiêu thu đều tăng

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai, chỉ tiêu thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tính đến ngày 25/5/2020 đạt trên 942,81 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2019, bằng 36,2% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Trong đó, số thu BHXH là 424,49 tỷ đồng, tăng 20,83% so với cùng kỳ năm trước; số thu BHXH tự nguyện là 10,71 tỷ đồng, tăng 82,7%; số thu BHYT là 476,16 tỷ đồng, tăng 42,1%; số thu BHTN là 28,09 tỷ đồng, tăng 22,39%; thu lãi chậm đóng: 3,36 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Lực, Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai cho biết: Đến nay, số người tham gia BHXH là 83.479 người (trong đó, tham gia BHXH tự nguyện 5.867 người). Đặc biệt, trong ngày ra quân tuyên truyền vận động toàn dân tham gia BHXH, toàn tỉnh vận động được 373 người tham gia BHXH tự nguyện; 64.948 người tham gia BHTN; tham gia BHYT có trên 1,3 triệu người, chiếm 86% dân số toàn tỉnh. BHXH tỉnh luôn bám sát chỉ đạo của ngành, địa phương, chỉ đạo giải quyết, khắc phục, tháo gỡ các điểm hạn chế, tồn tại trên từng lĩnh vực công tác, nhờ đó, năm 2019 BHXH tỉnh được BHXH Việt Nam xếp loại A.

Đầu năm 2020, BHXH tỉnh Gia Lai triển khai phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh thực hiện Nghị quyết số 41 và Chỉ thị số 11 ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ và giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, Nghị quyết số 42 ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; làm việc với các đơn vị cao su, cà phê về phương thức đóng BHXH, BHYT cho các đơn vị theo quy định của Luật BHXH và tình hình dịch bệnh Covid-19. Tiếp tục rà soát các đơn vị nợ đọng lớn, nhất là khối Sông Đà, đôn đốc BHXH các huyện, thị xã thực hiện rà soát số trẻ em đã hết hạn thẻ BHYT trong năm 2019 thuộc đối tượng người dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện KT-XH khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh đó, thực hiện ký hợp đồng đại lý với Viettel Gia Lai về việc phối hợp khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình. Kịp thời cập nhật, đăng tải tin bài về hoạt động BHXH, BHYT, BHTN lên website BHXH tỉnh trong giai đoạn cao điểm thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; về hoạt động chi trả 02 tháng lương hưu và trợ cấp BHXH; về việc “ngăn chặn tình trạng trục lợi hưởng BHXH” và “người lao động cân nhắc khi quyết định nhận BHXH một lần”; về việc cấp thẻ BHYT do mất hoặc hỏng qua mạng xã hội Zalo...

Đẩy mạnh cải cách hành chính

Năm 2019, BHXH tỉnh Gia Lai được xếp hạng là đơn vị đứng đầu về chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành tỉnh Gia Lai (DDCI) do UBND tỉnh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp VN chi nhánh Đà Nẵng (VCCI) triển khai. Tiếp tục phát huy những kết quả đó, với quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, ngay từ đầu năm 2020, ngành BHXH đã tập trung thực hiện các giải pháp: Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến người dân, tổ chức, DN về lợi ích thiết thực của cải cách thủ tục hành chính, tạo sự đồng thuận của người dân; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền cắt giảm những thủ tục hành chính không còn phù hợp; duy trì áp dụng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, tiến tới triển khai “một cửa liên thông hiện đại” ở BHXH huyện, thị xã, thành phố và tại Văn phòng BHXH tỉnh.

BHXH tỉnh tiếp tục quán triệt, giáo dục viên chức và người lao động chuyển biến mạnh mẽ về ý thức trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tổ chức, DN. Tăng cường tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chỉ đạo các tổ chức, cá nhân, DN trên địa bàn, các nhà mạng triển khai ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đẩy mạnh giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Phấn đấu đến năm 2021, tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với DN dưới 49 giờ (mức ASEAN 4), chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt trên 80%. Đến năm 2025, chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt trên 85% và đến năm 2030, chỉ số này đạt trên 90%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.