Nhiều ý kiến liên quan đến thu hồi đất
Cuối giờ chiều nay (3/11), sau phiên thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.
Ông Vũ Hồng Thanh cho hay, về các khoản Nhà nước thu hồi đất, quy định theo hướng liệt kê, một số đại biểu cho rằng, liệt kê chưa đủ, song cần bám vào điều 54 của Hiến pháp với yêu cầu là phải thật cần thiết.
Liên quan đến các dự án thuộc diện thu hồi đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, nếu doanh nghiệp, nhà đầu tư muốn được thỏa thuận, các đại biểu cũng ủng hộ theo hướng này để trong quá trình thỏa thuận bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp và tránh các khiếu kiện phức tạp.
Ngoài ra, các đại biểu băn khoăn, trong trường hợp thỏa thuận không thành công, thì cần phải có cơ chế xử lý.
Về các điều kiện để Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, cần phải có phương án cho người dân để bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân. Do đó, dự thảo luật quy định về 7 trường hợp, phương án bắt buộc phải có.
Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị, cho phép quy định trong trường hợp chưa hoàn thành khu tái định cư, bởi vì mất nhiều thời gian để xây dựng khu tái định cư thì có bố trí tạm cư và người dân phải đồng thuận.
Cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt để báo cáo Quốc hội
Phát biểu kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đồng thời, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cùng các cơ quan hữu quan. So với kỳ họp thứ 5, dự thảo luật đã hoàn thiện, bổ sung thêm nhiều nội dung, nhiều vấn đề quan trọng.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội nêu rõ, vẫn còn nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu, nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau.
Các đại biểu thống nhất với nhiều nội dung đồng thời tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật. Ý kiến của các đại biểu là xác đáng, tâm huyết và là cơ sở để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn thiện, trình Quốc hội lựa chọn xem xét phương án khả thi nhất.
Nhiều vấn đề quan trọng của dự án luật đã được các đại biểu tập trung thảo luận và phân tích góp ý sâu sắc như: thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý sử dụng đất, quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chế độ giao đất, giao đất, cho thuê đất.
Các đại biểu Quốc hội cũng đã cho ý kiến về các nội dung như phạm vi điều chỉnh, tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật cùng nhiều vấn đề trọng tâm trong dự án luật.
Tuy nhiên, dự án luật còn nhiều vấn đề phức tạp, tác động, ảnh hưởng lớn, liên quan đến nội dung một số dự án luật khác cũng đang được Quốc hội trình trong kỳ họp này.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, qua thảo luận, một số ý kiến đại biểu cho rằng dự án luật chưa đảm bảo chất lượng để thông qua tại kỳ họp này và đề nghị tiếp tục nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng, rà soát hoàn thiện dự thảo luật.
Vì vậy, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tiếp tục tham gia góp ý bằng văn bản để cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, hoàn chỉnh một cách thận trọng, kỹ lưỡng và toàn diện.
Phó chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ý kiến của các đại biểu đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để chỉnh lý, hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp giữa hai đợt họp để cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá nhiều mặt để báo cáo Quốc hội, chỉ trình Quốc hội thông qua khi dự án luật đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và khả thi", Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận