Hỏi:
Vừa qua, tôi lái ô tô chở bố mẹ từ Hà Nội về quê ở tỉnh Hà Nam ăn cưới. Do nể họ hàng mời quá nhiệt tình, tôi chỉ uống nửa chén rượu quê, loại chén hạt mít. Sau đó, tôi lái xe ô tô trên đường về thì bị CSGT tuýt còi, yêu cầu kiểm tra nhanh nồng độ cồn.
Sau đó, CSGT thông báo tôi vi phạm nồng độ cồn mức rất thấp là 0,02 miligam/lít khí thở. Sau đó, CSGT đã tiến hành lập biên bản và tạm giữ ô tô của tôi đến 7 ngày. Trong khi đó, tôi hoàn toàn tỉnh táo, có thể làm chủ tay lái bình thường. Xin hỏi, việc lập biên bản và tạm giữ phương tiện như vậy là đúng hay sai?
Trần Xuân Phương (Huyện Ba Vì, Hà Nội)
Trả lời:
Theo quy định của Luật GTĐB thì đối với người điều khiển phương tiện mô tô, xe gắn máy vi phạm nồng độ cồn từ 0 đến dưới 0,25 miligam/lít khí thở thì không bị xử lý, trừ khi họ vi phạm từ mức trên 0,25 miligam/lít khí thở. Vi phạm mức từ trên 0,25 đến dưới 0,4 miligam/lít khí thở và mức vi phạm trên 0,4 miligam/lít khí thở sẽ bị xử phạt với số tiền tương ứng. Ngoài ra, CSGT còn áp dụng hình thức xử lý bổ sung tước GPLX, giữ xe theo quy định.
Còn riêng đối với ô tô thì nghiêm cấm tuyệt đối việc người điều khiển sử dụng rượu, bia tham gia giao thông. Tùy mức độ vi phạm (3 mức) mà CSGT sẽ xử phạt với số tiền tương ứng, cao nhất là 17 triệu đồng. Ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử lý bổ sung tước GPLX và tạm giữ phương tiện. Vì vậy, với trường hợp của bạn, việc CSGT lập biên bản tạm giữ phương tiện là đúng quy định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận